Tăng cường sức đề kháng
Nhiều người cho rằng virus Corona khó lòng lây cho trẻ nhỏ nên thường có tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay đã cho thấy, trẻ em cũng có nhiều nguy cơ mắc COVID-19. Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 tuổi - được gọi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, do trẻ ít ra ngoài nên được đánh giá sự lây lan không nhiều, chứ không phải là nhờ hệ miễn dịch của trẻ có cơ chế khác biệt.
Nguyên nhân chính của sự lây lan là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mắc bệnh, nên bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa, trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Do đó, sự xâm nhập của virus Corona (COVID-19) chủng mới sẽ càng nguy hiểm hơn đối với cơ thể bé.
Trẻ em, giống như người lớn, nhiễm COVID-19 mà không biểu hiện triệu chứng vẫn có thể lây virus cho người khác. Hiện các dòng vắc xin chưa được sử dụng cho trẻ em, nên cách duy nhất để phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ là tuân thủ các nguyên tắc tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh cho trẻ.
Trước hết, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. UNICEF đã đưa ra lời khuyên cha mẹ cần đặc biệt chú ý dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ. Trẻ cần được bổ sung các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá,... tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,...
Cũng không thể thiếu các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Khuyến cáo từ tạp chí y học của Mỹ cho thấy, một bữa ăn hàng ngày của trẻ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết: Ngũ cốc (tốt nhất là nguyên hạt); chất đạm bổ dưỡng như cá thịt động vật, thịt gia cầm, đậu nành, phomai...; Rau xanh, các loại củ và trái cây.
Đối với các bé lớn có khả năng ăn thô tốt, phụ huynh nên chế biến đa dạng, thay đổi và quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng. Khi chế biến món ăn nên có chút gia vị: Những loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, không chỉ làm dậy mùi món ăn và các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô...) trong các bữa ăn hàng ngày còn có tính kháng khuẩn cao.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, trong gia đình cũng nên có đồ ăn vặt lành mạnh dành cho trẻ. Hạn chế ăn mặn, ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, nước ngọt, trà sữa, bánh kẹo ngọt… Không nên vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại… ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, hấp thu.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là cho trẻ uống đủ nước. Tùy vào độ tuổi mà lượng nước thích hợp, như trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi lượng nước cần thiết cho trẻ được đến từ nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, lượng nước cần bổ sung cho trẻ có liên quan tới lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức mà trẻ đã được cung cấp. Nguyên tắc chung của lượng nước uống trong độ tuổi này là từ nửa ly đến một ly nước trong ngày (125ml đến 250ml).
Trẻ từ 1 tuổi đến 8 tuổi, lượng nước uống trong ngày được tính theo độ tuổi. Ví dụ trẻ một tuổi nên uống một ly nước trong suốt ngày, trẻ hai tuổi nên uống hai ly. Trẻ lớn hơn 9 tuổi cần uống số nước gần như người lớn.
Cạnh đó, trẻ cũng cần ngủ đủ giấc vì đối với trẻ nhỏ giấc ngủ còn quan trọng hơn cả ăn, là thời điểm để “sạc pin” cho trí não, giúp trí não trẻ phát triển. Thời gian này trẻ ở nhà nhiều, nên tập lại nếp sinh hoạt, rèn cho trẻ ngủ sớm trước 9 giờ, tập thói quen dậy sớm, không bỏ giấc ngủ trưa...
Phòng ngừa virus xâm nhập
Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm COVID-19, chăm sóc trẻ em tốt hơn, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác. Các đồ vật trẻ hay tiếp xúc như đồ chơi, vật dụng học tập… thậm chí điện thoại cũng cần được vệ sinh để phòng tránh lây bệnh.
Đồng thời, cần rửa tay cho trẻ thường xuyên, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh. Có thể cho bé súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng. Với trẻ lớn, cần tập cho trẻ thói quen tự rửa tay và tự súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày.
Trong các vùng giãn cách tuyệt đối không nên cho trẻ ra ngoài, kể cả vui chơi với trẻ em trong khu vực. Với các vùng chưa áp dụng giãn cách, nên hạn chế cho bé đến những nơi tập trung đông người, cố gắng sắp xếp thời gian vui chơi và học tập cùng trẻ tại nhà. Khi ra khỏi nhà luôn bắt buộc phải có khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn...
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tránh những hành động như ôm ấp, hôn trẻ có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh, dù họ chưa có biểu hiện phát bệnh như ho, sốt. Với những vùng chưa giãn cách, nên tránh cho trẻ những hành động ôm, hôn từ người lớn, kể cả những người thân trong gia đình.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần là yếu tố rất quan trọng với trẻ. Mùa giãn cách, trẻ ở nhà suốt ngày không được ra ngoài, thiếu các thú vui giải trí bên ngoài cũng ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ không kém đối với người lớn.
Cha mẹ cần khắc phục sự lo lắng, hoang mang của bản thân, tạo ra những khoảng thời gian vui vẻ, tích cực trong nhà. Dành nhiều thời gian chơi với con, dạy cho con học... Cả nhà có thể áp dụng những trò chơi cho cả gia đình cùng tham gia. Ngoài ra, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, tâm sự với trẻ rất quan trọng để kịp thời tháo gỡ những khúc mắc trong tâm lý trẻ.
Cần tạo nên lối sống lành mạnh trong nhà, mà trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Nên tranh thủ thời gian giãn cách để lập lại trật tự, quy củ trong gia đình như ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, quy định cụ thể thời gian được dùng thiết bị điện tử. Có thời gian biểu cho việc vận động mỗi ngày.
Một số cha mẹ chủ động tránh đưa con đến các cơ sở y tế do lo sợ lây virus COVID-19 cho bản thân và các bé. Tuy nhiên, các gia đình không nên vì e ngại dịch COVID-19 mà làm gián đoạn việc tiêm các loại vắc xin cần thiết khác cho trẻ.
Trẻ cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch để được bảo vệ một cách toàn diện nhất, góp phần hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ, là công cụ an toàn, hiệu quả, cứu trẻ em khỏi một số căn bệnh chết người. Việc bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng ở thời điểm mấu chốt này có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ.
Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... và có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho Trung tâm y tế, bệnh viện địa phương. Trước khi đến nên gọi điện thoại thông báo biểu hiện bệnh và tiền sử tiếp xúc, đi lại với cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất.
Bên cạnh đó, nếu trẻ có những dấu hiệu sau thì cần đưa trẻ cấp cứu kịp thời: Ngoài khó thở còn triệu chứng đau hoặc tức ngực mà không hết, trạng thái lẫn lộn mới, không thể thức dậy hoặc giữ tỉnh táo khi không mệt mỏi, da, móng tay hoặc môi nhợt nhạt, xám hoặc có màu xanh...
Ngoài ra, trong nhà thời điểm này cũng nên trang bị một số dụng cụ y tế cần thiết như máy đo nhiệt độ, thiết bị đo nồng độ oxy, cồn, bông băng và một số thuốc dùng sơ cứu tức thời cho trẻ.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"