Vấn đề “nóng” cần sớm giải quyết triệt để
Tình trạng ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề “nóng” tại Thủ đô trong những năm gần đây. Đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều yếu tố như giao thông, xây dựng, khí hậu,…
Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), đặc biệt là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn đang ngày càng tăng, trong đó điển hình là Hà Nội. Ô nhiễm bụi có xu hướng tăng dần từ năm 2015 - 2019 (ô nhiễm nhất) và được giảm bớt vào năm 2020 do thực hiện giãn cách bởi đại dịch COVID-19. Theo thống kê, giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020 đều vượt trị số cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất xảy ra vào năm 2019.
Một số nguyên nhân chính được xác định là: Lượng ô tô, xe máy đổ về trung tâm thành phố Hà Nội hàng ngày rất đông; quá trình xây dựng hạ tầng; và thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ hè thu đều đóng góp một lượng bụi lớn và các chất gây ô nhiễm khác vào không khí. Đáng chú ý, trong phạm vi thành phố, vẫn có hàng ngàn hộ gia đình sử dụng than củi, bếp than tổ ong để phục vụ việc nấu nướng bởi giá thành rẻ hơn so với bếp điện.
Mặt khác, ô nhiễm không khí có thể gia tăng bởi hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra vào mùa thu và vào mùa xuân. Hiện tượng này thường xảy ra khi bắt đầu có các đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, không khí lạnh chỉ là lớp mỏng nên chỉ làm lạnh nhiệt độ ở tầng thấp, do nhiệt độ tầng thấp lạnh đi nên sẽ mát hơn nhiệt độ trên cao. Nói cách khác, khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao, ngược với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp, bởi vậy sinh ra lớp nghịch nhiệt. Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, khiến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí dày đặc hơn.
Còn vào những ngày nóng ẩm, một hiện tượng thường thấy là sương mù được hình thành và bao phủ khắp thành phố. Bởi vậy, sự lưu thông của không khí bị hạn chế, ngăn cản sự khuếch tán của các chất ô nhiễm. Bởi các chất này không thể thoát ra ngoài và bị giữ lại ở mặt đất, khiến chất lượng không khí kém đi. Đáng nói, tất cả những yếu tố này kết hợp lại với nhau đã góp phần tạo nên thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Thủ đô Hà Nội.
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi tại Hà Nội nói riêng và tại các đô thị lớn trên cả nước nói chung ngày càng trầm trọng hơn qua các năm, cho thấy nhiều bất cập và thách thức về quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi, các cơ quan chức năng, giới chuyên gia đã cung cấp nhiều giải pháp khắc phục kịp thời. Về khía cạnh chủ trương, chính sách, đáng chú ý nhất là Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã đề ra nhiệm vụ cụ thể là tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Trong đó, những hoạt động cụ thể cần phải thực hiện ngay bao gồm: Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới; cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi, nhất là hơi xăng dầu ở đô thị; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện; bảo tồn mặt nước, phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố...
Mặt khác, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Còn theo đề xuất Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Cùng với đó, thành phố cần đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để phát triển không gian xanh. Bên cạnh các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải nêu trên, thành phố cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng và tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành để giảm thiểu phát thải, gây ô nhiễm.
|
Người dân cần chủ động theo dõi chỉ số chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe. |
Theo dõi chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe
Đáng nói, những giải pháp hiện tại đều không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm trong một sớm một chiều, do đó các cơ quan chức năng và giới chuyên gia cũng thường xuyên khuyến cáo người dân, đặc biệt cư dân tại các đô thị ô nhiễm nghiêm trọng như Hà Nội, cần chủ động theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng không khí từ các nguồn uy tín của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất lượng không khí kém sẽ gây nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già. WHO ước tính, có đến 7 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, khiến đây trở thành tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp bụi mịn và bụi siêu mịn vào nhóm chất gây ung thư cho con người. Các nghiên cứu khác trên thế giới cũng đã chứng minh có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và một số bệnh nghiêm trọng ở các nhóm tuổi khác nhau, ví như hen suyễn, bệnh tim mạch, ung thư phổi, biến chứng thần kinh và tâm lý, kích ứng mắt, các bệnh ngoài da, các bệnh mãn tính lâu dài, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi,…
Báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBOD) khảo sát tại Việt Nam năm 2017 cho thấy, số trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí tăng dần theo các năm, từ hơn 43.000 ca vào năm 2000 lên tới 50.000 trường hợp vào năm 2017. Ước tính, có khoảng 1,3 triệu năm sống hoàn toàn khỏe mạnh đã bị mất do các bệnh và tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí năm 2017. Trong các nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam, ô nhiễm không khí chỉ đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết cao, hút thuốc và sử dụng rượu, bia.
Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi để phòng viêm nhiễm hô hấp. Nên hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm, tránh lại gần các khu vực nhiều khói công nghiệp. Với những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí cao nên hạn chế các hoạt động ngoài trời. Đối với trẻ em, phụ huynh cần cẩn thận hạn chế trẻ ra đường vào thời điểm ô nhiễm, dùng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi họng, cổ, vệ sinh mũi mỗi tối...
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tác hại của không khí ô nhiễm trên làn da, cần tránh nắng, sử dụng kem chống nắng khi đi ngoài đường. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa chất chống oxy hóa như vitamin C, E. Trong nhà có thể lắp máy lọc không khí và thông gió, trồng cây xanh để làm sạch môi trường. Mọi người cũng cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày, kết hợp với tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Ngoài ra, việc liên tục cập nhật các biện pháp bảo vệ sức khỏe cũng góp phần khiến người dân chủ động bảo vệ sức khỏe tốt hơn trước tác động của ô nhiễm không khí.