Làm gì để 'hút' thêm nhiều khách đi tàu hỏa?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những tháng gần đây, sau một thời gian dài chìm trong trầm lắng và thua lỗ, tín hiệu vui đã đến với ngành Đường sắt - Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều báo lãi quý I năm 2024 gấp 3 lần kế hoạch đề ra. Đại diện TCty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, không chỉ dịp lễ, khách đi tàu thời gian qua tăng nhanh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Cty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, lượng vé dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay vừa mở bán đã hết sớm, với 140 ngàn vé. Công ty huy động thêm 36 đoàn tàu trên những chặng có nhu cầu lớn. Tại Đà Nẵng, đại diện Sở Du lịch đánh giá một trong những yếu tố giúp TP tăng gần 12% lượng khách dịp lễ là khách đến bằng tàu hỏa, tăng 60% so với cùng kỳ.

Có nhiều lý do khiến đường sắt thời gian gần đây đông khách. Nguyên nhân quan trọng nhất, phải kể đến thực tế đứt gãy chuỗi cung ứng, một số máy bay được hãng sản xuất triệu hồi, nên vé máy bay vừa khó mua, một số chặng vé đắt, dẫn đến nhiều người thay đổi phương thức đi lại, chuyển từ đường hàng không sang đường sắt. Khi chuyển qua hoặc quay lại đường sắt, một số khách hàng mới nhận ra đường sắt cũng có những điều thú vị không kém các phương thức di chuyển bằng máy bay hay xe hơi. Nói cách khác, là hành khách bắt đầu thay đổi thói quen.

Có thể liệt kê ra các điều thú vị khác lạ của đường sắt như sau. Thứ nhất, không xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe, nhồi nhét khách như đường bộ; các chuyến tàu khởi hành đúng giờ, không chịu cảnh “delay”. Thứ hai, thời gian di chuyển có thể chậm hơn, nhưng chi phí hợp lý hơn nhiều. Thứ ba, là những trải nghiệm khác biệt thú vị. Tàu hỏa Bắc - Nam là một trong những hành trình bằng đường sắt có phong cảnh đẹp nhất châu Á và thế giới, đặc biệt là chặng đường Huế - Đà Nẵng qua vịnh Lăng Cô. Một tạp chí du lịch nổi tiếng từng đánh giá “tuyến tàu xuyên Việt đi qua những TP có bề dày lịch sử, qua những cung đường ven bờ biển tuyệt đẹp”.

Nắm bắt được thời cơ để vực dậy, ngành Đường sắt mới đây đã ra mắt liên tiếp các sản phẩm mới, tân trang lại toa tàu, đổi mới cách phục vụ, cung cấp các dịch vụ, tiện ích trên tàu như tuyến Nha Trang - Quy Nhơn, TP HCM - Nha Trang và mới nhất là Sài Gòn - Đà Nẵng. Trước đây, đi tàu chỉ đơn thuần là ngồi trên toa như một phương tiện vận tải. Nhưng nay, đã có sản phẩm du lịch đường sắt đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách như phục vụ đặc sản địa phương, biểu diễn nghệ thuật trên tàu, đầu tư làm mới nội thất.

Một con số thống kê sơ bộ cho rằng, trước 2019, các sản phẩm du lịch nội địa đường bay có sự chênh lệch rõ rệt so với tour tàu hỏa khi 80% khách chọn đi máy bay, 20% chọn đi tàu hỏa và đường bộ. Nhưng năm nay, tỷ lệ khách chọn trải nghiệm tàu hỏa có thể chiếm đến 40 - 45%. Từ một số nguyên nhân khách quan, dẫn đến việc hành khách thay đổi thói quen thay chuyển phương thức đi lại, là một yếu tố vô cùng quan trọng, là cơ hội “trời cho” với ngành Đường sắt. Nhưng quan trọng hơn nữa là ngành Đường sắt cần làm tiếp những gì, cần duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ ra sao, để giữ chân và thu hút thêm hành khách.

Đọc thêm