Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: Tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 2: Cần có những giải pháp đột phá cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mới, phương thức “đột phá”nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu và sự mong mỏi của người dân hai TP.
Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: Tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 2: Cần có những giải pháp đột phá cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Các dự án đều chậm tiến độ

Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng, là những đô thị có số dân đông nhất cả nước. Tại những TP này, giao thông đô thị có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sống ở trong và ngoài TP, đồng thời có tầm quan trọng quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn minh đô thị. Với việc xác định rõ hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai đến nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với TP Hà Nội, theo quy hoạch, Thủ đô sẽ có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,5 tỷ USD. Song, đến nay, TP mới chỉ hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành được tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km. Dự án được khởi công xây dựng tháng 10/2011 và đưa vào khai thác vận hành vào tháng 11/2021.

TP Hà Nội cũng đang triển khai thi công tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội với tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4km. Tính đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 78,33%. Dự án được phê duyệt điều chỉnh vào tháng 7/2023, hiện đang trong quá trình điều chỉnh gia hạn các hiệp định vay ODA. Công tác vận hành thử với 57 kịch bản đã bắt đầu được triển khai từ 11/3/2024, dự kiến hoàn thành vào ngày 26/4/2024. Hiện, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào vận hành đoạn trên cao từ tháng 6/2024...

Trong khi đó, theo quy hoạch, hệ thống ĐSĐT TP Hồ Chí Minh gồm 8 tuyến ĐSĐT (MRT) và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống ĐSĐT TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.Trong đó, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) với tổng chiều dài hơn 30km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Đến nay, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được chủ đầu tư và các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để có thể tiếp nhận nhà ga vào tháng 5, vận hành thương mại vào tháng 9 tới. Còn các tuyến còn lại chưa được đầu tư.

Nhìn nhận tình trạng xây dựng các tuyến ĐSĐT tại TP Hà Nội thời gian qua là vấn đề rất đáng quan tâm, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông chỉ ra một số điểm bất cập. Đó là các tuyến ĐSĐT đều bị trì trệ, chậm tiến độ, thời gian thực hiện dài hơn rất nhiều so với kế hoạch. Bên cạnh đó, các dự án đều rơi vào tình trạng “đội” vốn, gặp phải những vướng mắc về quy hoạch, công nghệ. “Theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ có hơn 400km ĐSĐT nhưng đến nay, mất hơn chục năm chúng ta mới làm được hơn 25km. Giữa thực tế với lý thuyết còn cách xa nhau nên người dân mong muốn ĐSĐT phải được làm nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn, hợp lý hơn để cho người dân có phương tiện đi lại”, ông Nguyễn Xuân Thủy nói. Cũng nhấn mạnh về việc chậm tiến độ của các dự án, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, chưa nói đến vấn đề nguồn lực đầu tư, chỉ nói về quỹ thời gian để thực hiện các mục tiêu đề ra đã là “bất khả kháng”. “Kể cả khi chúng ta có đủ nguồn lực thì cũng chưa chắc đã có thể thực hiện hết được”, ông Lã Ngọc Khuê nói.

Mất nhiều thời gian để ban hành các chính sách, quy định

Thông tin tại một hội thảo về ĐSĐT mới đây, từ thực tế triển khai thực hiện và đưa vào khai thác dự án ĐSĐT Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Văn Thái, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho hay, quá trình thực hiện dự án đã bị chậm trễ do nhiều biến động, nguyên nhân chủ quan, khách quan của các bên liên quan.

Nêu khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án, ông Nguyễn Văn Thái cho biết, dự án khởi công khoan cọc nhồi đầu tiên vào tháng 4/2010 (tại hồ Đống Đa) nhưng đến tháng 11/2011 mới chính thức có một phần mặt bằng để thực hiện. Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ khảo sát thiết kế, công tác GPMB chậm cũng ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng phục vụ thi công. Đến tháng 8/2015, dự án mới hoàn thành toàn bộ công tác GPMB.

Bên cạnh đó, dự án cũng chậm trễ do bất cập trong cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật; vướng mắc liên quan đến quy định về thiết kế, thi công, hoàn công, trách nhiệm trọn gói, đánh giá an toàn hệ thống…Việc chậm trễ còn có nguyên nhân từ việc năng lực, kinh nghiệm của các bên thực hiện dự án. “Do là dự án ĐSĐT đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nên các cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian nghiên cứu để ban hành các chính sách, quy định áp dụng cho dự án như xác định chủ đầu tư, xác định tiêu chuẩn, quy phạm áp dụng, xác định cơ chế tài chính của dự án. Đồng thời, do dự án có tính chất đặc thù, kỹ thuật công nghệ cao và hoàn toàn mới nên các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn nhiều bỡ ngỡ, vừa thực hiện vừa cập nhật kiến thức, tham khảo kinh nghiệm nên cũng mất nhiều thời gian cho các công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt”, ông Thái cho hay.

Trong khi đó, qua triển khai xây dựng các dự án tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý ĐSĐT TP Hồ Chí Minh chỉ ra một số vướng mắc. Trong đó, về nguồn lực tài chính, vốn đầu tư xây dựng ĐSĐT rất lớn, hệ thống ĐSĐT TP Hồ Chí Minh cần tới hơn 25 tỷ USD. Hiện nay, toàn bộ nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT là vốn vay ODA cộng với khoảng 10 - 20% là từ ngân sách nhà nước.Tuy nhiên, việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn do thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ… Do đó, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ nếu tiếp tục vay vốn ODA để đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT còn lại.

Về thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án, hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư cho 1 dự án ĐSĐT thường mất 7 đến 9 năm, gồm từ đề xuất dự án trình Thủ tướng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ; đấu thầu chọn tư vấn; đấu thầu chọn thi công.

Cần có những giải pháp đột phá, khả thi

Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến ĐSĐT có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...); hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội có tính kết nối với vùng Thủ đô và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035. Như vậy, cả hai TP sẽ chỉ còn khoảng hơn 11 năm nữa để có thể hoàn thành mục tiêu kể trên.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, việc đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT trong thời gian tới theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị là một thách thức vô cùng to lớn đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian 20 năm qua thì không thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiển cũng nhận định, để hoàn thành 200km ĐSĐT còn lại trong 12 năm tới đòi hỏi phải nghiên cứu có giải pháp tổng thể, khả thi, có một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh để chủ động trong việc phê duyệt và triển khai dự án. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT với 5 lĩnh vực cần gấp rút điều chỉnh, bao gồm quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị, công nghệ và tiêu chuẩn chung áp dụng cho hệ thống; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực

Đọc thêm