Làm gì để không còn chuyện đau lòng như nữ sinh viên trường đại học danh giá là 'sugar baby'?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo vệ con trước những cám dỗ của cuộc đời luôn là “bài toán” khó đối với nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt trong thời đại ngày nay.
Bảo vệ con trước cám dỗ là “bài toán” khó đối với các bậc phụ huynh. (Nguồn ảnh: GĐVN)
Bảo vệ con trước cám dỗ là “bài toán” khó đối với các bậc phụ huynh. (Nguồn ảnh: GĐVN)

Những câu chuyện đau lòng

Không thể kể hết nỗi bàng hoàng của vợ chồng anh L.M.H. (50 tuổi) và chị T.T.H.T. (48 tuổi) ngụ Tân Bình, TP Hồ Chí Minh khi họ phát hiện con gái đang học một trường đại học công lập danh giá lại là... “sugar baby” (từ lóng chỉ những cô gái trẻ có quan hệ tình cảm với người đàn ông lớn tuổi để được chu cấp vật chất).

Một thời gian, anh chị thấy con chưng diện nhiều hơn, thường xuyên xin ở lại nhà bạn để học nhóm, làm đề tài nghiên cứu. Cho đến khi chị tình cờ phát hiện con gái dùng một chiếc túi hàng hiệu và điện thoại đời mới nhất, trong khi tiền anh chị cho con tiêu dùng không nhiều, hai vợ chồng mới giật mình, âm thầm tìm hiểu. Khi khám phá đời sống riêng của con, anh chị mới thảng thốt nhận ra con có quá nhiều chuyện “động trời” cất giấu, mà đáng buồn nhất là chấp nhận làm “sugar baby” để có tiền thỏa mãn những nhu cầu về vật chất.

20 tuổi, con gái anh chị đã tham gia một ứng dụng chuyên kết nối “sugar baby” và “sugar daddy” (từ lóng chỉ người đàn ông lớn tuổi dùng vật chất để có quan hệ tình cảm với những cô gái trẻ), để rồi từ đó nhận làm “tình nhân thời vụ” của một người đàn ông 31 tuổi, đã có gia đình, làm chủ một doanh nghiệp tầm trung. Mỗi tuần cả hai gặp nhau 1 - 2 lần tại khách sạn. Đổi lại, mỗi tháng, con gái anh chị được chu cấp 15 triệu đồng. Hai bậc cha mẹ vô cùng choáng váng, đau khổ khi biết sự thật. Nhưng cô con gái, sau khi đi qua nỗi sợ hãi, van nài cha mẹ, lại trở nên sắt đá, quay ngược lại trách móc, cho rằng gia đình không khó khăn nhưng cha mẹ lại bắt cô chi tiêu rất dè sẻn, khiến cô gái không “bằng bạn bằng bè”, thiếu thốn đủ thứ, nên mới chấp nhận bước chân vào con đường này để có vật chất thoải mái hơn. Câu trả lời của con gái khiến anh chị vừa đau lòng, vừa hoang mang, không biết con gái mình đã trở nên như thế từ lúc nào và mình đã sai ở đâu trong quá trình nuôi dạy con.

Trong xã hội hiện nay, việc bảo vệ trẻ trước những cám dỗ nhiều phía càng trở nên khó khăn. Rất nhiều trường hợp các bậc cha mẹ phải bất lực, hoặc hoàn toàn không hay biết gì về chuyện con cái mới lớn hoặc đang tuổi vị thành niên có quan hệ tình cảm sớm, dễ dãi “đổi tình lấy tiền”. Có cả những trường hợp trẻ mới lớn bị cuốn vào các mối quan hệ đồng giới không phải vì xu hướng giới tính, mà vì tò mò hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bằng tiền bạc. Cạnh đó, làn sóng mạng xã hội cũng góp phần lôi kéo các em nhỏ đua đòi theo lối sống vật chất, ưa chuộng hào quang ảo trên mạng. Không ít trẻ mới lớn sẵn sàng phát ngôn bữa bãi, thể hiện sự nổi loạn, hoặc chỉ để nổi tiếng trên mạng, không quan tâm đến cảm xúc, thái độ của cha mẹ, thầy cô, bè bạn...

Dạy con “tăng sức đề kháng” càng sớm càng tốt

Bảo vệ con trước những cám dỗ trong cuộc sống chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Theo các chuyên gia, nhiều bậc cha mẹ thường có sai lầm khi dạy con sống thật tiết kiệm, cho con sống thiếu thốn để học cách sử dụng đồng tiền. Tuy nhiên, sự thiếu thốn đôi khi sẽ gây ra tác dụng ngược, khiến con có những khao khát, so sánh với bạn bè cùng trang lứa, từ đó nảy sinh ra những hành vi sai trái để thỏa mãn nhu cầu vật chất đang bị thiếu thốn ấy. Vì thế, việc dạy con sử dụng đồng tiền phải đi cùng thực tế tài chính trong gia đình, không nên để trẻ sống trong tình trạng quá thiếu thốn và cũng cần các cuộc chuyện trò, phân tích, giúp cho con hiểu được mục tiêu tài chính cha mẹ đang đề ra.

Về các cám dỗ liên quan đến tò mò giới tính, “vượt rào”, dễ dãi trong tình dục, theo các chuyên gia, cha mẹ tốt nhất nên có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với con về vấn đề này, đừng nên cấm đoán, áp đặt lối suy nghĩ cũ lên con. Đồng thời, cũng đừng nên “tin” rằng con mình mãi mãi là đứa trẻ thơ ngây, hồn nhiên mà cần theo sát những chuyển biến tâm - sinh lý của con ngay từ khi còn nhỏ.

Trả lời báo chí, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra lời khuyên, để con hiểu và chủ động bảo vệ bản thân, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, giám sát trẻ. Tuổi mới lớn là thời điểm con trẻ luôn khao khát và mong muốn được sự ghi nhận như một người trưởng thành từ phía người lớn trong gia đình, dù cho các con chưa thật sự trưởng thành như bản thân mình nghĩ. Chính điều này có thể dẫn đến việc các con có những hành vi không phù hợp (con trai thì tập tành hút thuốc, rượu, bia; con gái có thể điệu đà, quần áo tóc tai không hợp mắt bố mẹ...), thậm chí là yêu đương như một cách thể hiện mình đã lớn.

Việc phụ huynh bình tĩnh và linh hoạt, mềm mỏng trước sự thay đổi nhanh chóng của con trẻ là một yếu tố cần thiết để có thể hỗ trợ con một cách tốt nhất. Thay vì chỉ khuyên răn, căn dặn và cấm đoán khiến các con cảm thấy bị kìm kẹp, cha mẹ có thể lùi lại một bước, chuyển vị trí từ người đi trước sang người đi cùng, sát cạnh các con thì tin rằng các con sẽ có thể vững vàng và tự tin tránh khỏi những cám dỗ cuộc đời.

Đọc thêm