Đời buồn của những“bà mẹ trẻ con”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), số ca mang thai tuổi vị thành niên những năm gần đây chưa có xu hướng giảm, chiếm 2,5 - 3% tổng số phụ nữ mang thai. Con số này đến từ nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số, sự thiếu hiểu biết của các em học sinh tuổi ô mai. Để rồi hệ lụy là những đứa trẻ ốm, những cuộc đời buồn.
Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho cả mẹ và con. (Nguồn ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau)
Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho cả mẹ và con. (Nguồn ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau)

Những đứa trẻ gầy mòn...

Mới hơn 18 tuổi, H.T., người dân tộc Gia Rai ở Kon Tum đã làm mẹ một đứa trẻ 2 tuổi và hiện nay đang mang bầu đứa thứ hai. Nhìn cô gái trẻ nhỏ thó vác cái bụng bầu vượt mặt, tay dắt theo đứa trẻ con đen nhẻm, ốm o, bụng ỏng, ai cũng thấy xót xa. H.T. kể, hồi nhỏ cô cũng được đi học cho biết cái chữ như bao người, nhưng rồi đến năm 15 tuổi, cha H.T. bảo cô phải nghỉ học để lấy chồng. Chồng H.T. cùng tuổi, là con người bạn thân của cha cô, hai nhà đã hứa hôn cho nhau từ khi hai người vợ cùng đang mang bầu. Vậy là H.T. đi lấy chồng ở cái tuổi vô tư lự, còn ngồi trên ghế nhà trường. Để rồi sau ngày cưới, cô nhanh chóng mang thai đứa thứ nhất. Con ra đời chẳng bao lâu cô lại tiếp tục mang thai. H.T. nói, vợ chồng cô không biết đến biện pháp tránh thai là gì.

Chồng H.T. cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn, lên trung tâm thành phố làm người chở hàng kiếm tiền nuôi vợ con, nhưng ham chơi nên dành dụm không được bao nhiêu. H.T. ở nhà trông con, thi thoảng theo mẹ lên rẫy. Con trai H.T. có lẽ do được tượng hình khi cha mẹ còn nhỏ quá, hay do gia đình không có điều kiện, không được bổ sung dinh dưỡng tốt mà đứa trẻ còi cọc, bụng ỏng, nước da tái và quấy khóc ngằn ngặt suốt ngày từ khi mới ra đời. Công việc cực nhọc, con quấy khóc, phải một mình chăm con trong khi đang mang thai, tiền bạc thiếu thốn khiến H.T. rất mệt mỏi, áp lực. Cô chia sẻ, nhiều lúc cô ước mình không phải lấy chồng sớm, được học hành đến nơi đến chốn, được đi làm ở thành phố, bước chân ra cuộc đời như nhiều người bạn của mình.

Trường hợp như H.T. trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là không hiếm. Người chị họ của H.T, T.N. năm nay xấp xỉ 20 tuổi mà đã một nách hai con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Chồng T.N. 21 tuổi, đi làm xa rồi đi theo một cô gái dưới thành phố, để lại T.N một mình đi cạo mủ cao su nuôi hai đứa con nhỏ. Hai đứa đều gầy mòn, xơ xác, hay bệnh tật khiến người mẹ trẻ khốn đốn, tiều tụy, đáng thương.

Tại nhiều trường học, nhà trường bất lực, thầy cô đau lòng khi thấy nhiều học sinh của mình đang tuổi cấp 2, cấp 3 phải bỏ học để lập gia đình, bước vào đời sống hôn nhân sớm. Hủ tục của nhiều dân tộc thiểu số đã khiến vấn nạn tảo hôn, sinh con sớm được “truyền đời”. Đời cha, mẹ kết hôn từ năm 15, 16 tuổi, đến đời con, cha mẹ cũng ép bỏ học, cưới sớm, sinh sớm. Để rồi hình thành những gia đình trẻ con, trong đó cha mẹ chưa đến tuổi trưởng thành, con cái nheo nhóc. Có những gia đình mà cả nhà đều còi cọc, thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.

Trả lời báo chí, bà Uông Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết, việc tảo hôn trong các làng đồng bào DTTS là nguyên nhân gây ra việc tăng dân số nhanh và không bảo đảm chất lượng, là một trong những nguyên nhân gây ra đối với trẻ em mới sinh ra thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển. Việc người mẹ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc sinh nở và cơ thể chưa phát triển, chưa sẵn sàng cho việc sinh con đã ảnh hưởng rất lớn đến một số hộ gia đình tảo hôn trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu thống kê, Tây Nguyên hiện vẫn là vùng có tỷ lệ tảo hôn cao so với trung bình của cả nước và cao nhất trong các khu vực. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 DTTSnăm 2019 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tỷ lệ tảo hôn chung của người DTTS ở Tây Nguyên là 27,5% (trong đó nữ 28,5%; nam 26,5%).

Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2014 (26,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Tây Nguyên 27,5%, Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 22,4%.

“Lỡ dại” và những hậu quả khôn lường

Tảo hôn trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số là nguyên nhân gây ra việc tăng dân số nhanh và không bảo đảm chất lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Tảo hôn trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số là nguyên nhân gây ra việc tăng dân số nhanh và không bảo đảm chất lượng.

(Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Bên cạnh nạn tảo hôn thì vấn đề “lỡ dại”, mang thai, sinh con tuổi vị thành niên cũng gây nhức nhối trong xã hội.

Cách đây không lâu, thông tin một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến dư luận bàng hoàng. Nhưng đó chỉ là một sự việc nổi cộm trong rất nhiều vụ việc đáng buồn đã xảy ra. Có không ít em mang thai, sinh con ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường, đang học cấp 3, thậm chí cấp 2. Các em quan hệ tình dục sớm, chưa có hiểu biết về cách phòng tránh thai, thậm chí còn không biết mình đã mang thai. Đến khi cái thai đã lớn các em buộc phải sinh ra, hoặc dưới sự hỗ trợ của gia đình, hoặc lén lút không cho ai biết. Để rồi hệ quả là những đứa trẻ sinh ra đã bị bỏ rơi ngoài đường, trong bụi cây, trước cổng chùa, cô nhi viện. Hoặc những đứa trẻ gầy yếu được ra đời và cho ngay làm con nuôi, có mẹ mà không bao giờ được nhìn mặt mẹ. Cũng có những trẻ vị thành niên phải cắn răng nghỉ học, nuôi con, để rồi cuộc đời rẽ sang hướng bi kịch cho cả mẹ lẫn đứa trẻ.

Cho đến nay, L.V.A. (24 tuổi, nhân viên bán hàng, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vẫn khôn nguôi nuối tiếc vì sự bồng bột, dại khờ của mình thuở ngồi trên ghế nhà trường. Năm vừa vào cấp 3, A. được cậu bạn cùng lớp tán tỉnh, rồi cả hai nhanh chóng yêu nhau và vượt quá giới hạn. Không có biện pháp tránh thai, A. phát hiện mình mang thai vào giữa năm học. Học hết lớp 10, A. buộc phải nghỉ học, sinh con. Cậu bạn trai cũng chia tay ngay khi biết A. có thai. A. chịu biết bao mắng chửi từ cha mẹ, cô phải bỏ về quê ngoại ở Tiền Giang, sống với ngoại chờ ngày sinh con. Con ra đời, bệnh tật èo uột, A. khổ sở biết bao nhiêu trong những năm tháng ấy. Con đến tuổi mẫu giáo, A. lên lại TP Hồ Chí Minh để bươn chải đi làm, kiếm tiền nhưng không mấy dễ dàng vì cô còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Vì thế, A. phải vừa lao động chân tay, vừa học bổ túc. Sau rồi A. cũng có công ăn việc làm ổn định, thuê căn phòng trọ nhỏ để sống, đón con lên đi học. Mỗi khi nghe về bạn bè cùng lớp có những thành công nhất định, nghĩ đến nghề nghiệp mình bấp bênh, nghĩ đến con mình hay đau bệnh, không được phát triển mạnh khỏe như những đứa trẻ cùng lứa, lòng A. lại dấy lên nỗi hối tiếc, xót xa...

Trả lời báo chí, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai. Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai. Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh thì đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Cạnh đó, tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.Mặc dù xã hội đã và đang phát triển, văn minh hơn nhiều, nhưng trong góc khuất của cuộc sống, vẫn còn những số phận đáng buồn đến từ nạn tảo hôn, từ mang thai vị thành niên. Để giải quyết được tận gốc vấn nạn ấy cần rất nhiều sự nỗ lực từ nhiều phía, để các em không bị bỏ lại phía sau sự phát triển của xã hội.

Đọc thêm