Làm gì để không đón Tết cùng... bụi mịn

(PLVN) - Một cái Tết sẽ ra sao nếu mở mắt ra là phải đối diện với thực tế thông số bụi mịn trong không khí cao hơn 3 lần so với quy chuẩn Việt Nam? Đón Tết trong không khí ô nhiễm đã và đang là lo ngại của nhiều người dân…
Khói từ xe máy cũ nát ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị.
Khói từ xe máy cũ nát ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị.

Theo dự báo của Tổng cục Môi trường, trong giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị sẽ vẫn còn ở mức xấu, một số đợt ô nhiễm không khí còn xảy ra. Những ngày đầu tháng 1/2021, tại TP Hà Nội thông số bụi mịn PM2.5 đã vượt quá giới hạn so với quy chuẩn Việt Nam hơn 3 lần.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Từ nói không với bếp than tổ ong…

Có thể thấy các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nhà máy nhiệt điện chạy than và thói quen sử dụng nhiên liệu rắn của người dân là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Trong đó có sự tham gia không nhỏ của việc sử dụng than tổ ong (TTO) trong gia đình. 

Việc đốt TTO là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Nhất là vào mùa đông nhu cầu đun nấu, sưởi ấm của người dân tăng cao, việc sử dụng than nhiều cộng thêm với các điều kiện thời tiết dẫn đến chất lượng không khí thường ở mức kém thậm chí nguy hại.

Từ sự ô nhiễm quá mức bầu không khí đô thị do TTO gây ra, ngày 30/10/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng TTO làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo đó đến ngày 31/12/2020 việc sử dụng TTO trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ phải chấm dứt hoàn toàn.

Với nhiều người, quyết định này ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ vì điều kiện kinh tế chưa thể nghĩ đến các phương tiện đun nấu khác tiên tiến hơn không gây ô nhiễm. Nhưng hãy thử nhìn lại con số từ nghiên cứu của Sở TN-MT Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Stockhom (Anh) để thấy sức khỏe người dân và môi trường được cải thiện ra sao sau khi lượng TTO sử dụng ít đi. 

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công cụ mô hình LEAP – IBC trong tính toán phát thải từ hoạt động sử dụng bếp TTO trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ cho giai đoạn 2017 - 2020 đã kết quả lượng khí CO thải ra từ bếp TTO tính đến hết tháng 9/2020 đã giảm được 19.000 tấn so với năm 2017. Cùng với giảm thải CO, việc giảm và chấm dứt sử dụng TTO còn giúp giảm phát thải bụi mịn PM2.5.

Năm 2017, ước tính lượng phát thải PM2.5 hằng năm trên toàn địa bàn Hà Nội là 2.228 tấn/năm. Nhưng tính đến tháng 9/2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn 570 tấn/năm (giảm 1.658 tấn/năm). 

Đặc biệt, việc giảm sử dụng TTO còn giúp giảm tiếp xúc với khí thải và ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng bếp TTO. Trong quá trình đốt than, người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2,5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Tính từ năm 2017 - tháng 9/2020, việc giảm số lượng bếp TTO đã làm giảm tiếp xúc các chất ô nhiễm và cải thiện đáng kể sức khỏe cho khoảng 170.000 người ở Hà Nội. 

Báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội về việc triển khai Chỉ thị số 15 cho thấy tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017).

Bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí.
 Bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí.

Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Trong khi đó, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình, quận Đống Đa, huyện Đan Phượng.

Như vậy, theo tinh thần của Chỉ thị 15 thì kể từ năm 2021 bếp TTO sẽ hoàn toàn vắng bóng ở Hà Nội. Nhưng giờ này nếu ra đường sẽ không khó để bắt gặp các làn khói trắng từ bếp TTO tỏa vào không khí và từ đó ô nhiễm cũng lan theo…

Đến mạnh tay vứt bỏ xe cũ nát

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; hơn 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn hơn 50 năm. Trong số đó, có nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng người dân tận dụng bằng việc mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, sửa chữa lại để sử dụng. Thế nên hàng ngày trên đường không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cũ nát trên đường, vô tư nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM không phải do các nguồn phát thải từ các tỉnh đến. Các nguồn thải ô nhiễm không khí đều phát ra từ mỗi thành phố, trong đó phải kể đến tác nhân các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.

Bộ TN-MT đánh giá khí thải từ số lượng lớn xe cộ tham gia giao thông, trong đó có hàng triệu xe máy cũ, ôtô quá hạn lưu hành, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP HCM hiện nay. 

TS. Nguyễn Văn Nguyên giảng viên Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường từ 20.000 km hoặc có thời gian từ 2 năm trở lên bắt đầu có biểu hiện xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn. Nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội...

Cũng giống như câu chuyện bếp TTO, vấn đề đặt ra ở đây là những chiếc xe máy cũ nát này là phương tiện mưu sinh của nhiều người nên khó có thể yêu cầu vứt bỏ. Nhưng với thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay thì suy cho cùng, xe cũ nát hay bếp TTO cho dù ảnh hưởng sinh kế của một bộ phận cũng không thể là cái giá để đánh đổi sức khoẻ cả cộng đồng nói chung.

Hay nói cách khác đã đến lúc không thể đánh đổi môi trường không khí vì yếu tố mưu sinh, khi con số khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí đã trở thành tín hiệu báo động. 

Nhưng cũng như bếp TTO, để vận động được người dân không sử dụng không phải là việc dễ. Được biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát không đơn giản.

Đối với những xe này, CSGT chỉ xử phạt các lỗi theo quy định, chứ không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy. Thế nên mọi việc lại đành phải trông chờ vào ý thức mà thôi… 

Bộ TN-MT đề nghị Hà Nội, TP HCM đẩy nhanh thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, không sử dụng TTO

Trước những tác động tiêu cực của thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đầu năm 2021, Bộ TN-MT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp cấp bách, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN-MT đề nghị hai thành phố đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

Hai thành phố triển khai ngay việc tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, TTO gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt; hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt; xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường…

Đọc thêm