Đến hẹn lại lên, từ qua Tết âm lịch, sân khấu Idecaf đã bắt tay dựng vở mới cho chương trình kịch thiếu nhi nổi tiếng “Ngày xửa ngày xưa”. Thời điểm này, vở thứ 30 của chương trình, với tên gọi đang được phúc khảo để chuẩn bị công chiếu “Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần... bị bắt” (tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh).
Vốn dĩ, hàng năm, mỗi một vở mới trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của Idecaf đều rất công phu, đầu tư tốt, trau chuốt… và được cả khán giả nhí lẫn phụ huynh đón xem. Năm nay, kỉ niệm 30 năm chương trình, nên vở mới càng được đầu tư hoành tráng hơn. Và cũng như “truyền thống” của mọi năm, từ khi vở diễn được công bố thông tin, là người hâm mộ đã “rục rịch” chờ để đặt, mua vé.
Ngoại trừ sân khấu Idecaf, có lẽ, thời điểm này, TP HCM chỉ có sân khấu Sao Minh Béo là đã có lịch diễn rõ ràng cho kịch thiếu nhi với các vở diễn cũ như “Nàng tiên cá”, “Ăn khế trả gì” và “Nữ thần mặt trăng”. Tuy nhiên, sau vụ việc không hay của Minh Béo, chủ sân khấu, có lẽ đây không còn là điểm xem kịch quen thuộc của thiếu nhi thành phố.
Các sân khấu trước giờ vốn thế mạnh là kịch người lớn, hài kịch như Kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Nụ cười mới, Kịch Sài Gòn… chưa có lịch cho những vở diễn thiếu nhi, dù thời điểm Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đã gần kề. Ngoài ra cũng chưa sân khấu nào công bố dự án lớn về kịch cho thiếu nhi dịp hè này. Nhà hát thiếu nhi Nụ cười, nơi diễn ra những vở kịch rối thiếu nhi thu hút trẻ trong mùa hè trước, đến thời điểm này vẫn chưa thể hoạt động lại được.
Chị Nguyễn Thị Khánh An, giáo viên một trường tiểu học tại Tân Phú, TP HCM chia sẻ, mùa hè năm ngoái, có dắt hai con đi xem kịch thiếu nhi, các cháu rất thích. Chị có hứa với con là cứ một vài tuần lại đưa con đi xem kịch, nhưng cuối cùng lời hứa không thể thực hiện được, vì… tìm không ra vở kịch cho con xem. “Sân khấu tại thành phố, ngoài sân khấu chuyên về kịch thiếu nhi như Idecaf, hầu hết chỉ diễn kịch thiếu nhi khi vào mùa (Tết hoặc hè). Ngay cả Idecaf thì số vở cũng không nhiều, vé khó mua, nên phụ huynh có muốn cho con xem kịch cũng đành chịu”, chị Khánh An chia sẻ.
Trên thực tế, kịch thiếu nhi thành phố từ lâu rơi vào tình trạng không chỉ thiếu vở mà còn thiếu đề tài. Đa phần nhiều sân khấu quanh năm tập trung cho kịch người lớn, đến mùa kịch thiếu nhi, cuống quýt với việc làm mới vở cũ, hoặc cách tân các câu chuyện cổ tích. Trong khi, đề tài gần gũi, thực tế từ đời sống của trẻ em hiện đại lại vô cùng thiếu.
Các thế hệ lớn lên ở TP HCM ít nhiều đều gắn bó tuổi thơ với những vở kịch. Đến thế hệ các em, có lẽ có quá nhiều thú vui, giải trí hấp dẫn, kịch không còn là món giải trí yêu thích hàng đầu. Tuy nhiên, sẽ không quá khi nói xem kịch cũng là một cách giáo dục trẻ hữu hiệu thông qua những câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, ẩn chứa tình yêu thương, sự nhân ái, lòng dùng cảm… rất tốt cho tâm hồn trẻ trong thời buổi có quá nhiều thứ giải trí độc hại này.
Sự khan hiếm của kịch thiếu nhi là một uổng phí của thị trường kịch. Nhiều người nói, kịch thiếu nhi làm không “có ăn” bằng kịch người lớn. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, Idecaf làm vẫn thành công như thường, suốt vài chục năm không hề lỗ. Con đường đã có, quan trọng là đổi mới tư duy, đổi mới cách làm. Và quan trọng hơn nữa, là tâm huyết với kịch thiếu nhi.