Quanh quẩn với lối mòn
Thời điểm đầu năm 2016, kịch nói bỗng nhiên “được mùa” bởi hàng loạt vở kịch hay ra mắt như “Lan và Điệp”, “Mình có quen nhau không” (Hoàng Thái Thanh), “Tấm Cám” (Idecaf), “Chuyện tình Lương – Chúc” (sân khấu Trịnh Kim Chi)… Khán giả nô nức mua vé, khán phòng chật kín, sân khấu liên tục sáng đèn… Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng vui ấy đã được nhiều người trong nghề dự báo trước chỉ là một đợt “hồi xuân” của kịch nói. Những vở cũ ăn khách trước đây được dựng lại cũng chỉ thỏa mãn sự tò mò nhất thời của một bộ phận khán giả. Còn về đường dài, vẫn chưa có “cú hích” nào mới mẻ đủ giúp kịch nói trở lại thời huy hoàng.
Quả thật như vậy, qua thời điểm sôi động, từ giữa năm 2016 đến nay, sân khấu phía Nam bắt đầu trở về thời kì ảm đạm. Dạo một vòng quanh các sân khấu Sài Gòn, thấy chỉ sáng đèn leo lét. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, trước kia từng là địa chỉ yêu thích của những người mê kịch nói, giờ đây tắt đèn, đóng cửa, chưa biết khi nào mới có vở mới. Sân khấu mới mở của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng chỉ hoạt động cầm chừng với hai vở diễn cũ là “Một nửa đàn bà” và “Người sói”. Sao Minh Béo, sân khấu đi theo hướng thị trường, năng động và có lượng khách đều, thì nay, sau sự cố không hay của ông bầu Minh Béo đã từ lâu không còn cập nhật lịch diễn mới.
Sân khấu kịch Hồng Vân là một trong những sân khấu ít ỏi ra mắt vở diễn mới. Tuy nhiên, hầu hết đều là những vở hài kịch và kịch ma theo hướng giải trí, cũ mòn: “Góc tối showbiz”, “Đá đoạt hồn”, ngoài ra là các vở kịch ma cũ diễn đi diễn lại như “Quả tim máu”, “Người vợ ma”, “Điềm báo”, “Oan hồn truyện”. Hiện, vở “Cung tâm kế” với hình thức trình diễn 3D đang được kịch Hồng Vân đẩy mạnh, hy vọng sẽ góp phần tạo nên một điểm nhấn mới mẻ cho bức tranh kịch nói đang ảm đạm.
Đi quẩn quanh trong lối mòn kịch kinh dị, ma quái không chỉ có kịch Hồng Vân. Sân khấu Thế giới trẻ và Kịch Sài Gòn, kịch ma cũng chiếm hầu như toàn bộ lịch diễn. Thời điểm mới ra mắt, kịch ma còn thu hút khán giả bởi sự mới lạ, nhưng nay đã là món ăn nhàm chán. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ những nội dung như oan hồn báo oán, những cảnh hù dọa người bằng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh… xử lý chưa thật nhuần nhuyền.
Hai sân khấu vẫn còn lượng khán giả ổn định nhất, có thể kể đến Idecaf và Hoàng Thái Thanh. Nếu như Hoàng Thái Thanh trung thành với dòng chính kịch có đôi chút biến tấu, chủ tâm đem lại những giá trị nhân văn thông qua tác phẩm kịch thì Idecaf vẫn hướng đến kịch thiếu nhi với các serie “Ngày xửa ngày xưa” vốn ăn khách từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới sân khấu, thời điểm gần đây, độ “hot” của loạt kịch này đã không còn như trước. Tuổi thọ đã lâu, diễn viên quanh quẩn bằng ấy người, tạo hình đã cũ, cách diễn xuất cũng không có gì mới mẻ… tất cả đã khiến “Ngày xửa ngày xưa” bắt đầu giảm lượng khách. Nếu không có bước đột phá nào để làm mới mình, có lẽ dần dà Idecaf, sân khấu bán vé chạy nhất phía Nam cũng sẽ bước vào cảnh về chiều.
Xuất ngoại - hướng mới nhưng nhiều rủi ro
Mới đây, Idecaf đã đưa vở “Dạ cổ hoài lang” đi lưu diễn tại Mỹ, đây là một trong những vở diễn làm nên thương hiệu của Idecaf. 4 suất của vở diễn này tai Texas, San Jose và Houston (California) đã bán sạch vé, chinh phục các thế hệ khán giả kiều bào xa quê hương tại Mỹ. Năm 2015, vở “Hợp đồng mãnh thú” cũng đã được lưu diễn và gặt hái thành công cũng với khán giả Mỹ. Sau những thử nghiệm này, Idecaf cho biết, tháng 11 tới, đoàn kịch sẽ quay trở lại Mỹ để lưu diễn vở “Tía ơi, má zìa”.
Đưa kịch nói đi nước ngoài cũng là một hướng mở mà nhiều sân khấu kịch nghĩ đến ở thời điểm hiu hắt này. Trước đó, bằng sự nhạy bén, Minh Béo đã đi đi về về nhiều chuyến ở nước ngoài và thành công trong việc kết những hợp đồng đưa diễn viên của đoàn sang Mỹ lưu diễn. Tuy nhiên, sự cố không mấy hay ho của Minh Béo đã khiến đoàn kịch của nghệ sĩ này giờ đây leo lét như đèn trước gió.
Bà bầu Hồng Vân cũng từng một lần đưa vở “Kĩ nghệ lấy Tây” ra nước ngoài, và được khán giả Việt kiều nhiệt liệt ủng hộ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa dám có cú “liều” lần hai. Theo nghệ sĩ Hồng Vân, đưa các vở diễn ra hải ngoại trình diễn cho khán giả xem là một xu hướng khá hay của các sân khấu, tuy nhiên, rủi ro cũng khá cao, vì chi phí lớn gấp nhiều gần trong nước, gồm vé, ăn ở cho cả một ê kíp. Cùng với đó, vở diễn cũng khó được trọn vẹn như diễn trong nước vì nhiều yếu tố khác… Chính vì thế, đây vẫn là một bài toán khó đối với các chủ sân khấu kịch.