Tuổi trẻ lầm đường
Nhớ lại quá khứ, anh Thìn kể, những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước tại xã anh sinh sống và các vùng lân cận nở rộ phong trào buôn lợn đưa lên vùng giáp biên kiếm lời. Học xong cấp 2, anh cũng nghỉ học theo mọi người ngược lên miền Tây Nghệ An đi buôn.
“Trong những lần lên đó, tôi được một số người mách nước chuyện đi buôn thuốc phiện đen của dân bản (chưa qua sơ chế) mà không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật”, anh kể.
Sau vài lần trót lọt, năm 1999, Đậu Trọng Thìn bị cơ quan chức năng bắt giữ. Trước đó, đường dây buôn “hàng trắng” có sự tham gia của Thìn đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an. Những đối tượng cầm đầu sa lưới đã khai ra các đồng bọn, trong đó có Thìn. Với hành vi liên quan đến ma túy, Đậu Trọng Thìn phải nhận mức án 8 năm tù.
Nhưng điều khiến Thìn buồn tủi, day dứt hơn là sự lạnh nhạt của dân làng. Người thân, bố mẹ của anh cũng bị vạ lây.
Những ngày đầu thụ án trong Trại giam số 6 Bộ Công an, Thìn luôn bi quan, chán nản, mất phương hướng. Nhờ sự quan tâm của các cán bộ quản giáo, sự động viên của gia đình, anh đã gạt bỏ được những tư tưởng lệch lạc, có thêm động lực để cải tạo. Sự tiến bộ của Thìn đã được ban quản giáo ghi nhận, đưa lên làm đội trưởng đội chuyên đi ươm cây, trồng rừng.
“Những lời động viên của mọi người giúp khao khát hoàn lương, làm lại cuộc đời trong tôi thêm mạnh mẽ. Từ đó, tôi luôn tu chí cải tạo, mong sớm được trở về quê nhà”, anh nói.
Năm 2003, Thìn được đặc xá bổ sung và ra tù trước thời hạn để trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Trong đợt đặc xá ấy, Đậu Trọng Thìn là phạm nhân được giảm án với thời gian dài nhất (giảm 4 năm tù) của Trại giam số 6, Bộ Công an.
Anh tâm sự, những ngày tháng ngồi tù coi như tuổi thanh xuân đã mất, nhưng được ra tù là còn có cơ hội để làm lại cuộc đời, được có cơ hội để bù đắp lại nỗi đau mà người thân phải gánh chịu trước đó.
Làm lại cuộc đời
Không bằng cấp, không có trình độ học vấn, anh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc. Lại thêm sự xa lánh của bạn bè, người dân khiến Thìn luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm. Gần hai tuần thu mình trong nhà, anh quyết tâm đứng lên, đi tìm việc làm.
Sau nhiều ngày ngược xuôi, may sao, một cửa hàng xe máy đã nhận anh vào làm. Những tháng ngày ở đây, anh luôn cần mẫn, chịu khó làm việc. Đồng tiền công kiếm được tuy không nhiều, Thìn vẫn cảm thấy hạnh phúc và càng quyết tâm tu chí làm ăn.
Khi cuộc sống bắt đầu ổn định thì anh gặp tai nạn giao thông bị gãy chân, phải điều trị hơn 1 năm. Bao nhiêu tiền bạc tích góp được lần lượt ra đi.
Khi bắt đầu tập tễnh bước trên đôi chân bị thương, anh nhận ra rằng mình đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa vợ con. Sau mấy tháng tìm hiểu người con gái cùng xã ít hơn anh đúng một giáp là chị Lê Thị Hiền (29 tuổi), đám cưới diễn ra. “Vì là người cùng làng, biết nhau từ trước nên hai chúng tôi không tìm hiểu nhiều. Sau mấy tháng qua lại, hai bên gia đình đồng ý cho cưới xin. Ngày cưới, chân của tôi vẫn còn đi khập khiễng”, anh nhớ lại.
Lấy nhau về khi sức khỏe yếu, nguồn thu nhập ít nên cuộc sống của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, với sự nhạy bén, anh Thìn đã tìm hướng đi mới. Năm 2010, nhận thấy các xã Minh Thành, Liên Thành, Đại Thành thuộc huyện Yên Thành có các công trình xây dựng cần san lấp mặt bằng lớn, trong khi số lượng máy múc công trình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh đã vay vốn mua 1 chiếc máy xúc và 2 xe tải hạng nhẹ để chở vật liệu xây dựng.
Thời điểm đó, Nhà nước có chính sách xây dựng Nông thôn mới nên chiếc máy múc và hai chiếc xe tải của anh được mọi người thuê liên tục. Công việc làm ăn gặp thuận lợi giúp anh dần trả hết nợ và gia đình có của ăn của để, kinh tế bắt đầu khấm khá hơn. Anh chia sẻ: “Nhờ sự liều lĩnh đó mà tôi mới thoát được cảnh nghèo”.
Từ thành công bước đầu, năm 2015, anh Thìn tiếp tục tìm thêm hướng đi mới. Nhận thấy thị trường xe đạp điện cho học sinh đi học ngày càng nhiều, trong khi ở địa phương mới chỉ có những cửa hàng nhỏ lẽ nên anh đã bàn với vợ bán máy múc lấy vốn mở cửa hàng bán xe đạp điện.
Giờ đây vợ chồng anh đã có cơ ngơi nhiều người mơ ước. Đó là ngôi 3 tầng khang trang, xe ô tô, cùng cửa hàng kinh doanh xe đạp điện lớn. Với sự nổ lực không mệt mỏi tháng 7/2014, anh Đậu Trọng Thìn là người đại diện cho xã nhà đi dự Hội nghị những tấm gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng huyện Yên Thành.
Với anh, có được thành công như ngày hôm nay một phần lớn nhờ sự hy sinh của người vợ. “Cô ấy đã bỏ qua mọi lời đàm tiếu để đến với tôi. Tình yêu ấy đã tiếp thêm động lực để tôi làm việc. Thành công bước đầu của tôi một phần nhờ sự hy sinh của vợ, tôi luôn ghi nhớ điều đó”, anh Thìn chia sẻ.
Ông Hồ Phi Hòe, Chủ tịch UBND xã Công Thành cho biết, không những làm giàu cho gia đình, anh Thìn còn tiên phong trong các phong trào đóng góp xây dựng quê hương, nông thôn mới tại địa phương và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Tại địa phương, anh trở thành tấm gương sáng cho những người lầm lỡ học tập để làm lại cuộc đời.