Làm nhân đạo cũng cần sự sáng tạo

(PLO) - Sáng 15/1, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo giai đoạn 2008-2018.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều mô hình công tác xã hội nhân đạo tiêu biểu như “Bếp ăn tình thương”, Hũ gạo tình thương”, “Nhà chữ thập đỏ”. “Ngân hàng bò”, “Liên gia đình giúp một gia đình”...Đến nay, các cấp hội chữ thập đỏ đã hình thành trên 180 bếp ăn tình thương theo các hình thức và cấp độ khác nhau, xây 29.000 nhà chữ thập đỏ trị giá trên 870 tỷ đồng, trao gần 24.000 con bò cho các hộ nghèo trị giá tên 291 tỷ đồng, 25 cơ sở nhân đạo hoạt động hiệu quả…

Ghi nhận những nỗ lực của Hội chữ thập đỏ các cấp cũng như tất cả các tình nguyện viên, hội viên cùng hàng triệu tấm lòng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực vào phong trào nhân đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: phong trào hoạt động của Hội Chữ thập đỏ nói chung, đặc biệt là phong trào “mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo thực hiện đúng tinh thần chăm lo cho rất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. “Không ai bị bỏ lại phía sau, mỗi một người dù xuất thân, hoàn cảnh thế nào, điều kiện thể chất, tinh thần ra sao thì đều là trung tâm của sự phát triển, ít nhiều cùng tham gia đóng góp cho phát triển”- Phó Thủ tướng nói.

Theo  Phó Thủ tướng, tất cả các mô hình dù có sáng tạo, nỗ lực đến mấy cũng cần sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương để công việc thuận lợi, bền vững hơn. “Công tác nhân đạo không chỉ là của Hội chữ thập đỏ mà thực sự có một phần trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Và một lần nữa chúng ta càng thấy ý nghĩa việc mỗi một tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ nói chung chung. Đấy là điều quan trọng nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tới đây các cấp uỷ, chính quyền địa phương và tất cả các đoàn thể, tổ chức xã hội phải cố gắng phối hợp thật đồng bộ, lồng ghép các hoạt động nhân đạo vào các phong trào, chương trình từ xoá đói, giảm nghèo đến xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá… Công tác nhân đạo, trợ giúp người yếu thế phải là một tiêu chí đánh giá thi đua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong thực hiện công tác nhân đạo thời gian tới là cần đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ mới, trước hết là công nghệ thông tin làm sao mỗi một địa chỉ nhân đạo, mỗi trường hợp cần trợ giúp đều được cộng đồng biết đến. Và bằng phương tiện công nghệ kết nối mọi sự trợ giúp từ đóng góp tiền của, công sức vào hoạt động nhân đạo đến kết quả cụ thể.

 “Bằng sức mạnh cộng đồng chúng ta có thể làm được những việc nếu theo cách bình thường thì không được. Làm nhân đạo bằng tấm lòng, sự sáng tạo và trên hết khơi dậy sự tốt đẹp trong mỗi người để kết nối với nhau và hướng nỗ lực chung vào những địa chỉ, những công việc cụ thể, thiết thực”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

 Qua 10 thực hiện, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo đã khảo sát, lập hồ sơ 2.578.000 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”, trợ giúp được 2.355.000 địa chỉ, với tổng các giá trị trợ giúp quy thành tiền đạt gần 3.813 tỷ đồng.

Đọc thêm