Chỉ số CPI quý I/2018 tăng thấp hơn cùng kỳ
Theo TCTK, CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước do có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm. Các nguyên nhân giảm chỉ số CPI được đưa ra bao gồm: nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm nên các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm mạnh so với tháng trước đó.
Cụ thể, các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống, rau tươi đều giảm, đặc biệt phải kể đến là giá rau tươi đã giảm 4,1% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết cũng giảm nên các mặt hàng như may mặc, giày dép, đồ uống, thuốc lá trở lại về mặt bằng trước Tết.
Cũng theo số liệu này, CPI quý I tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,97% so với tháng 12 của năm 2017. Một số nguyên nhân dẫn đến việc tăng này được kể đến như giá dịch vụ y tế tăng; Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các DN cũng tăng khoảng 6,5% từ ngày 01/01/2018 nên giá một số dịch vụ như dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng từ 2-8% so với cùng kỳ năm trước. Hai nguyên nhân kể trên thuộc nhóm nguyên nhân nằm dưới sự điều hành của Chính phủ.
Ngoài việc CPI quý I tăng do nguyên nhân có sự điều hành từ Chính phủ, các yếu tố thị trường cũng tác động đến mức tăng của chỉ số CPI như: giá các mặt hàng lương thực tăng 3,99% trong 2 tháng đầu năm; các mặt hàng đồ uống, thuốc lá, quần áo may sẵn và giá gas cũng tăng so với cùng kỳ năm 2017. Một nguyên nhân khác tác động mạnh đến CPI quý I chính là giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến ngày 25/3/2018, bình quân giá nhiên liệu rơi vào khoảng 66,88 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 54,65 USD/thùng ở cùng kỳ năm trước. Từ đây, tác động đến giá xăng dầu trong nước với nhiều lần điều chỉnh tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, giá xăng đã tăng 700 đồng/lít, dầu diezel tăng 550 đồng/lít, dầu hỏa tăng 950 đồng/lít, kể cả xăng E5, mặt hàng đang được khuyến khích tiêu dùng cũng đã tăng 100 đồng/lít.
Điều này làm cho giá xăng dầu 3 tháng tăng 9,18% so với cùng kỳ, dẫn đến việc CPI quý I tăng 2,83%. Đây không phải là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước đây (ví dụ cùng kỳ 2017 tăng 4,96%) nhưng đã có những dự đoán được đưa ra, nếu giá một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, lạm phát năm 2018 có thể vượt trên ngưỡng 4%.
Ba kịch bản lạm phát
Bà Vũ Kim Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhận định, việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ đối với đồng USD không gây ảnh hưởng đến chỉ số CPI của Việt Nam do Việt Nam còn “neo” vào 8 đồng tiền khác trên thế giới nhưng giá dầu thô quý 1 đã tăng khoảng 22%, theo dự đoán, sẽ tăng lên mức 70-80 USD/thùng trong năm 2018. Đây chính là một trong những nguyên nhân được đánh giá giá cả thị trường sẽ có nhiều biến động, tác động tiêu cực lên chỉ số CPI của năm 2018, dẫn đến lạm phát có thể tăng so với năm trước.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, đã xây dựng 3 kịch bản lạm phát vì lo ngại một số nhóm hàng hóa thiết yếu có thể tăng trong thời gian tới như xăng dầu, thịt heo. Trong đó có 2 kịch bản cho thấy lạm phát sẽ đạt dưới 4%. Ở kịch bản còn lại chỉ số giá sẽ tăng trên 4% nếu các mặt hàng thiết yếu nêu trên tăng cao.
Cụ thể, ở kịch bản thứ nhất, trong trường hợp giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ vào các dịp lễ do nhu cầu tăng cao và những thay đổi về giá dưới sự điều hành chỉ đạo của Nhà nước diễn ra đúng như kế hoạch thì CPI năm bình quân tăng khoảng 3%. Ở kịch bản thứ 2, tất cả các diễn biến giống như kịch bản thứ nhất nhưng giá thịt lợn tăng khoảng 7% sẽ khiến CPI tăng khoảng 3,4%.
Còn kịch bản thứ ba, giả thiết các diễn biến diễn ra như kịch bản thứ nhất, nhưng giá thịt lợn sẽ tăng thêm khoảng 15% vào cuối năm; giá xăng dầu tăng như dự đoán sẽ đẩy CPI bình quân tăng ở mức trên 4%. Kịch bản này hầu như chưa được các chuyên gia kinh tế đưa ra, do hầu hết đều nhận định, lạm phát năm 2018 sẽ ở mức dưới 4%.
Ông Lâm khẳng định, dù thời điểm này giá thịt heo vẫn ổn định nhưng xu hướng tăng sẽ sớm xuất hiện do sau thời kỳ “giải cứu” của năm 2017, lượng tái đàn không cao. Cùng lúc, các tổ chức kinh tế thế giới đều nhận định giá dầu thô có thể tăng cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, lên mức 70-80 USD/thùng, do đó, lạm phát năm 2018 hoàn toàn có thể trên 4%.