Lạm phát nên giữ một con số

Đồng tình với những giải pháp mạnh mà Chính phủ đưa ra, song theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), một trong những “ưu tiên của ưu tiên” trong năm nay của Chính phủ là “giữ lạm phát ở một con số” và “cắt giảm đầu tư công”.

Quốc hội hôm nay thảo luận tại hội trường về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội (QH), các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Cuối tuần trước, QH đã thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Gương mẫu từ trên xuống

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế thời gian qua, đặc biệt là việc ban hành và triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, các đại biểu QH cũng đã phân tích, lý giải và đưa ra nhiều giải pháp cho việc thực hiện phát triển kinh tế xã hội 2011.

Đồng tình với những giải pháp mạnh mà Chính phủ đưa ra, song theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), một trong những “ưu tiên của ưu tiên” trong năm nay của Chính phủ là “giữ lạm phát ở một con số” và “cắt giảm đầu tư công”. Theo ông Lịch, tăng trưởng năm 2010 đạt 6,78%, nhưng không kiềm chế được lạm phát ở mức một con số là điều “đáng suy nghĩ trong điều hành kinh tế năm nay”.

Về vấn đề chi tiêu công, ông Lịch dứt khoát: Không dừng lại ở cắt giảm mà căn cơ hơn là nghiên cứu, áp dụng, đổi mới phương thức phân bố và quản lý đầu tư ngân sách để từ biện pháp nhất thời trở thành những biện pháp căn cơ cho thời gian tới.

Đồng tình, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nhìn nhận: Trong khi tăng giá điện, tăng giá xăng dầu lại cho mua hàng nghìn ô tô ở để đến nỗi nhưng đơn vị được mua xe công phải xếp hàng giống như ngày xưa thời bao cấp. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình hình lạm phát cũng tăng lên. Theo ông Hải, vấn đề quan trọng là cách điều hành.

Đề nghị Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công và đảm bảo công khai minh bạch trong việc rà soát, cắt giảm kinh phí của các bộ, ngành địa phương, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) quyết liệt: “Không thể để tình trạng “chạy” tiêu chí, “chạy” các chỉ tiêu cắt giảm để né tránh bị cắt giảm đầu tư từ ngân sách và làm méo mó các chính sách đang được triển khai. Nhất là phải thực hiện gương mẫu từ trên xuống dưới”.

Giải pháp cần linh hoạt

Vẫn “lo lắng về sự điều hành vĩ mô của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, nền kinh tế của ta còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Giải pháp của Chính phủ nêu ra để kiềm chế lạm phát là đúng hướng nhưng khi điều hành phải hết sức linh hoạt, cắt giảm chi tiêu cái gì, cái gì cần phải chi tiêu, tức là cái cần cắt giảm phải cắt giảm, cái cần chi tiêu vẫn phải chi tiêu và cần đầu tư vẫn phải tiếp tục đầu tư", ông Thuyền khuyến cáo.

Dưới cái nhìn của một đại biểu QH, một DN, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chỉ ra thực tế, các DN nhỏ và vừa hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vừa qua chính sách tiền tệ lúc thắt chặt, lúc thì nới lỏng. “Chính phủ, các Bộ, ngành và QH phải quan tâm thực chất đến chất lượng phát triển của nền kinh tế và có những chính sách đối với vấn đề này. Không nên chạy theo số lượng, không nên đua theo sự phát triển của những nền kinh tế khác mà hãy nhìn vào thực chất của nền kinh tế nước ta”, bà Loan nói.

Cùng tham gia diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến lạm phát và các giải pháp trong thời gian trước mắt, trong đó nhấn mạnh “việc điều hành phải theo giá thị trường”, đồng thời cắt giảm đầu tư, áp lực chi…

Nhóm phóng viên

Đọc thêm