Làm rõ bài học qua hoạt động của Chủ tịch nước

(PLO) - Thông tin này được đưa ra trong phiên họp chiều qua (19/2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhiều công việc được giải quyết

Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước 2011-2016 do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) khóa XIII, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã trực tiếp tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự thảo luật, pháp lệnh. 

Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 100 luật, 10 pháp lệnh và 21 nghị quyết đã được QH, UBTVQH khóa XIII thông qua, đồng thời chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. 

Nhiều văn bản pháp luật đã được QH khóa XIII thông qua, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về công tác đặc xá, Dự thảo Báo cáo cho biết, căn cứ Luật đặc xá và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam. Kết quả công tác đặc xá được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đánh giá tốt. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cũng đã xét và quyết định ân giảm án tử hình cho một số bị án.  

Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, theo ông Đào Việt Trung, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan quân đội; thăng quân hàm cấp tướng cho 119 sĩ quan công an. 

Trong nhiệm kỳ, xét đề nghị của Thủ tướng, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng hơn 880.000 huân, huy chương; quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch với 3.157 người, cho thôi quốc tịch 32.638 người.

Làm rõ những hạn chế để định hướng

Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Ví dụ như hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và an ninh và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều vướng mắc. 

Việc xác định điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp chưa rõ nên việc phân định thẩm quyền của QH và Chủ tịch nước trong việc phê chuẩn, gia nhập các điều ước quốc tế còn có vướng mắc. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Chủ tịch nước đã thực hiện hết chức năng và nhiệm vụ được Hiến pháp và pháp luật giao cho. Song, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý Báo cáo cần chuẩn bị tổng quát để nêu rõ được vai trò của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp; làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trên cương vị người đứng đầu, người thay mặt Nhà nước trong việc chỉ đạo hành pháp, giải quyết các công việc đối nội và đối ngoại. 
Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị thể chế hóa việc Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ. Theo ông Phước, QH cần quy định cụ thể những trường hợp cũng như trình tự, thủ tục để Chủ tịch nước triệu tập cuộc họp Chính phủ để nghe các vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia… và nếu có thể đưa luôn vấn đề này vào dự án xây dựng luật của QH khóa 14. 
Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu để hoàn thiện, nâng cấp Báo cáo, bảo đảm ngắn gọn, súc tích, mang tính tổng kết, đánh giá được hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ. Ông Lưu cũng đề nghị Báo cáo làm rõ hơn những việc chưa làm được và nguyên nhân; làm rõ những bài học kinh nghiệm qua hoạt động của nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước để việc định hướng được rõ hơn. 

Đọc thêm