Phát hiện nhiều thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Lê Thị Nga nhấn mạnh, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đánh giá, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%...
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Cụ thể, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.
Năm 2024, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2024, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá về tình hình tham nhũng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời nhận thấy, trong năm 2024, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác PCTN, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản…
Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức.
Cần quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá về tiêu cực
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Phương Thủy đánh giá, công tác phòng, chống tội phạm và tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo ra sự triển khai tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Thủy, báo cáo của Chính phủ mới chỉ tập trung đến vấn đề PCTN, còn vấn đề tiêu cực và “lợi ích nhóm” còn mờ nhạt, chưa được phân tích, đánh giá, làm rõ. “Đây chính là những mảng chúng ta còn đang chưa có những quy định cụ thể cũng như cách thức triển khai thực hiện còn chưa rõ, chưa thống nhất nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này”, bà Nguyễn Phương Thủy nói.
Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý xử lý dứt điểm và có hiệu quả vấn đề phát sinh từ xử lý hậu quả các vụ án tham nhũng, trong đó có các vụ án liên quan đến các dự án đầu tư, đất đai.
“Án tham nhũng đã xử xong nhưng hậu quả còn lại, quyền lợi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không trực tiếp liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng bị ảnh hưởng, tác động thì xử lý thế nào? Việc tham nhũng chúng ta đã phát hiện và xử lý, nhưng hậu quả của tham nhũng cũng không thể bị kéo dài, gây ra những sự lãng phí các nguồn lực của xã hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.