Làm rõ kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí

(PLO) - Sáng qua (14/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Nguyễn Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH ghi nhận những mặt tích cực đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, mặt khác đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn 6 vấn đề, trong đó có việc các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đạt mục tiêu, ngân sách trung ương hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo; việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực nhưng số nợ xấu cần xử lý còn khá lớn; môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều. 

Đặc biệt, báo cáo cho rằng việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự. “Đề nghị báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói. 

Về tình hình năm 2018, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa,  mang tầm chiến lược...

Trong bối cảnh như vậy, trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ triển khai các giải pháp mạnh để tập trung giải quyết các yếu kém được nhận diện từ quá trình điều hành KT-XH năm 2017; triển khai nhanh, quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng… 

Cần có giải pháp quyết liệt trấn áp tội phạm

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu vụ việc các “hiệp sỹ” bị các đối tượng trộm cắp xe máy tấn công gây thương vong xảy ra ở TPHCM tối 13/5 khiến nhân dân bất an, không yên tâm khi ra đường. Bày tỏ đau lòng với tình trạng như vậy, ông Tỵ đề nghị Chính phủ phải có giải pháp trấn áp quyết liệt đối với tội phạm này. 

Ghi nhận những ưu điểm của Chính phủ trong thời gian qua đã có những phản ứng kịp thời, thể hiện thái độ dứt khoát đối với các vấn đề nóng; đã thành lập tổ kiểm tra đánh giá việc thực hiện các kết luận của Chính phủ… Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm trước tình trạng phá rừng tại các địa phương còn khá nhiều; khi xảy ra sự vụ, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu...

Phản ánh về phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án dâm ô với trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Lê Thị Nga cho biết, dư luận cả nước đã “dậy sóng” khi tòa phúc thẩm tuyên bị cáo chỉ còn 18 tháng tù treo với các tình tiết giảm nhẹ là đảng viên, nguyên là cán bộ ngân hàng. “Chúng tôi đề nghị Viện trưởng VKSNTC, Chánh án TANDTC xem xét lại để có hướng xử lý thoả đáng, hạn chế tình trạng bức xúc trong nhân dân”, bà Nga nói.

Đề cập đến công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy thời gian qua chưa được quan tâm nhiều như phản ánh của cử tri TP HCM tại đợt tiếp xúc cử tri 11/2017. Liên quan đến vấn đề khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại đất đai, theo Trưởng ban Dân nguyện của QH, tình trạng này có nguyên nhân từ công tác tiếp công dân định kì của các cơ quan hành chính các cấp  và đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra mạnh hơn nữa công tác tiếp công dân.

Đọc thêm