Làm rõ khái niệm, nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Thiết chế văn hóa, thể thao” được coi là hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, do vướng không ít hạn chế, bất cập từ cơ chế, chính sách đã dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”… Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại Hội thảo Văn hóa 2024: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
Hội thảo Văn hóa 2024 nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống “thiết chế văn hóa, thể thao”. (Ảnh: LH).
Hội thảo Văn hóa 2024 nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống “thiết chế văn hóa, thể thao”. (Ảnh: LH).

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 12/5.

Xây dựng các cơ chế, chính sách rõ ràng, hấp dẫn hơn

Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, các “thiết chế văn hóa, thể thao” có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà. Đây được coi là hạ tầng cho các hoạt động văn hoá, thể thao phát triển.

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những “thiết chế văn hoá, thể thao” nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc, nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, thiếu kết nối…, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống “thiết chế văn hóa, thể thao” tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo. Các “thiết chế văn hóa, thể thao” mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo rất đặc trưng cho không gian kiến trúc đô thị và nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hệ thống “thiết chế văn hóa, thể thao” hiện nay cũng còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Điển hình là một số chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hoá đầy đủ dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”. Một số nội dung, hình thức hoạt động của các “thiết chế văn hóa, thể thao” vẫn chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật; trong khi đó, các chính sách đã được ban hành lại thiếu sự liên thông, đồng bộ. Việc ban hành chính sách cũng chưa thật sự chú ý tới tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao như văn hoá tinh hoa, bác học và thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, một số quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các “thiết chế văn hóa, thể thao” không phù hợp với thực tiễn. Điều này khiến cho nhiều “thiết chế văn hóa, thể thao”, nhất là trong lĩnh vực văn hoá, thể thao truyền thống thật sự gặp khó khăn…

Nhằm giải quyết những bất cập trên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tăng cường huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các “thiết chế văn hóa, thể thao”. Đây là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng để các “thiết chế văn hóa, thể thao” có thể vận hành và phát triển hiệu quả. Ngoài ra, phải xây dựng các cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế này.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tổng kết Hội thảo. (Ảnh: LH)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tổng kết Hội thảo. (Ảnh: LH)

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về “thiết chế văn hóa, thể thao” bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Đồng thời, rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị hoàn thiện quy hoạch “thiết chế văn hóa, thể thao” theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Bố trí quỹ đất cho các “thiết chế văn hóa, thể thao” tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển “thiết chế văn hóa, thể thao” cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể; Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển “thiết chế văn hóa, thể thao” nói riêng; Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ hơn những nội dung chủ yếu về hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển “thiết chế văn hóa, thể thao” trong quy hoạch tổng thể; tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các “thiết chế văn hóa, thể thao”.

Đọc thêm