Làm sao để người dân không nặng bệnh thêm?

(PLO) - Làm sao để người dân được dùng thuốc đúng chất lượng, làm sao tránh việc người dân bị bệnh nặng thêm vì giá thuốc quá cao là những vấn đề được quan tâm trong buổi thẩm tra bước đầu Dự án Luật Dược (sửa đổi) và Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây.
Người dân luôn mong muốn được dùng thuốc đúng giá, đúng chất lượng. (Ảnh minh họa)
Người dân luôn mong muốn được dùng thuốc đúng giá, đúng chất lượng. (Ảnh minh họa)
90% các loại kháng sinh bán không cần đơn thuốc 
Theo khảo sát của Bộ Y tế, trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc được điều tra thì phần lớn kháng sinh bán mà không cần đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn. Trong đó 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/ammoxicilin, cephalexin và azithromycin.
Vì vậy, tình trạng lạm dụng kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sỹ… khiến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng và mới đây, Bộ Y tế đã phải lập đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia để đối phó. 
Trước thực tế việc mua thuốc “dễ như mua rau” và tình trạng lạm dụng thuốc do không cần đơn của bác sỹ, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đại biểu Quốc hội - ĐBQH TP.Đà Nẵng) chỉ ra nguyên nhân là do hệ thống phân phối, cơ sở bán lẻ thuốc quá nhiều. “Nhiều cơ sở bán thuốc sẵn sàng “kê” đơn cho người bệnh. Vậy tới đây sẽ quản lý thế nào?” – bà Thúy đặt câu hỏi với Ban soạn thảo Dự án Luật Dược (sửa đổi).
Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã có quy định nhà thuốc phải bán theo đơn, quầy thuốc bán thuốc thông thường. Tuy nhiên, đưa ra lý do “sợ thiếu người giám sát” nên trong Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề này. Nhấn mạnh thêm lý do “sợ thiếu tính khả thi” nên Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa “sờ” đến việc quản lý bán thuốc theo đơn nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ sẽ cân nhắc quy định vấn đề này vào Luật để thực hiện theo lộ trình. 
Phải thoát khỏi sự chi phối của doanh nghiệp ngoại
Khâu phân phối có sự chi phối mạnh mẽ đến giá thuốc trên thị trường và được Nhà nước bảo hộ nhiều năm nay song vẫn còn quá “yếu ớt” trong vai trò điều tiết thị trường thuốc. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), những quy định liên quan đến phân phối vẫn khiến nhiều ĐBQH lo ngại. 
Ông Đặng Thuần Phong (ĐBQH tỉnh Bến Tre) quan tâm đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế sau khi Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực. Hiện tình trạng doanh nghiệp (DN) nước ngoài núp bóng DN trong nước phân phối thuốc đang đẩy giá thuốc lên cao, quá sức chịu đựng của người dân nhưng cơ quan quản lý không có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát. Do vậy, một trong những vấn đề Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần quan tâm là có giải pháp để hạn chế được tình trạng “núp bóng” trong hoạt động phân phối thuốc trên thị trường trong nước.
Làm rõ vấn đề này, ông Trương Quốc Cường cho biết, khi xây dựng Dự thảo Luật đã quan tâm đến vấn đề hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và sẽ phải tính toán đến các điều kiện để DN nước ngoài vào phân phối thuốc ở Việt Nam nhưng sẽ theo lộ trình cụ thể. Theo các chuyên gia, nếu cứ để hệ thống phân phối thuốc như hiện nay thì người dân vẫn phải chịu thiệt vì giá thuốc cao. GS Lê Văn Truyền – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị không bảo hộ vô thời hạn đối với DN trong nước phân phối thuốc và phải hiện đại hóa hệ thống phân phối. 
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Y tế “có giải pháp căn cơ để hệ thống phân phối trong nước mạnh lên, nếu không chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà”. Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia tán thành vì “hệ thống phân phối trong nước mạnh lên mới không chịu sự chi phối quá lớn của DN nước ngoài”. 
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội và các chuyên gia, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần làm rõ các quy định nhằm quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành trên thị trường. 
Dự thảo đã tiêu chuẩn hóa người hành nghề dược và bổ sung các vị trí phải có chứng chỉ hành nghề dược, quy định chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn tối đa 5 năm để phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế. Nhưng ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần siết chặt điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề dược.

Đọc thêm