Làm sao khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ?

(PLVN) - Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐB) hoạt động chuyên trách tuần qua, nhiều ĐB băn khoăn về tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương và đề nghị xem lại cơ chế quản lý Nhà nước trong vấn đề tuyển dụng giáo viên.
Hình minh họa
Hình minh họa

Cho ý kiến tại phiên họp, một số ý kiến ĐB đề cập đến chất lượng đầu vào của sinh viên ngành sư phạm. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Trong khi đó, sinh viên sư phạm hiện nay có trường lấy từ 14-15 điểm, thậm chí còn thấp hơn điểm của một số trường đại học khác, đặt ra những băn khoăn về chất lượng giảng dạy của các sinh viên này sau khi ra trường. Vì vậy, việc tuyển chọn đầu vào các ngành sư phạm phải có sự chắt lọc vì: “Tuyển giáo viên cứ sàn sàn như hiện nay thì 5-10 năm nữa chất lượng giáo dục không thể được nâng cao?”.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngành nội vụ chủ trì việc tuyển dụng giáo viên còn ngành giáo dục chỉ phối hợp.

Thực tế này dẫn đến việc một số giáo viên hợp đồng dạy rất tốt nhưng không được tuyển dụng vì ngành giáo dục chỉ sử dụng và nhận người vào làm việc sau khi tuyển dụng xong. ĐB Bình đề nghị xem lại cơ chế quản lý Nhà nước trong vấn đề tuyển dụng này.

ĐB Bình cũng cho rằng việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn do vấn đề phân cấp. Cụ thể, hiện nay, Sở GD&ĐT chỉ quản lý giáo viên bậc THPT còn UBND cấp huyện quản lý giáo viên từ bậc mầm non đến THCS.

Việc phân cấp như vậy dẫn tới việc địa phương này thừa nhưng nơi kia thiếu giáo viên nhưng vẫn không thể điều chuyển được. ĐB Bình đề nghị trong việc tuyển dụng giáo viên nên thống nhất giao cho ngành giáo dục để khắc phục bất cập trên.

ĐB Bình cũng cho rằng việc giao cho ngành giáo dục chủ trì tuyển dụng giáo viên sẽ không dẫn tới tình trạng vượt chỉ tiêu biên chế bởi tổng biên chế giáo viên sẽ do ngành nội vụ tham mưu cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh, huyện.

Ngành nội vụ sẽ giao tổng biên chế cho ngành giáo dục, còn việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên sẽ do ngành giáo dục thực hiện. Ngành giáo dục không được tuyển thừa, vượt chỉ tiêu biên chế được giao.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa chỉ ra rằng, thực tế hiện nay một số trường muốn tuyển giáo viên nhưng không được. Bên cạnh đó, theo quy định phân cấp, giáo viên cấp THPT do Sở GD&ĐT tuyển, cấp THCS và Tiểu học do Phòng Giáo dục tuyển nên có thể dẫn tới tình trạng người muốn dạy ở trường này thì không được trong khi người không muốn lại phải vào.

Do đó, ĐB đề nghị giao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho các trường, tuân thủ theo các quy định, quy trình chặt chẽ. 

Đọc thêm