Làm sao xóa tâm lý 'ngại' đụng chạm khi thi hành phần tài sản trong án hành chính?

(PLO) - Qua theo dõi thi hành án hành chính nói chung, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho biết, vẫn còn tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan nhà nước.
Làm sao xóa tâm lý 'ngại' đụng chạm khi thi hành phần tài sản trong án hành chính?

Theo thống kê công tác thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính năm 2017 đã thụ lý 2.568 việc, trong đó có 2.604 việc chủ động; số chưa có điều kiện thi hành là 26 việc; thi hành xong đạt tỉ lệ 95,94%. Về tiền, tổng số thụ lý gần 7,4 tỷ đồng, trong đó có hơn 2,4 tỷ đồng thuộc việc chủ động; thi hành xong đạt tỷ lệ 62,34%.

Thực tế thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho thấy nội dung thi hành về chủ động như án phí chiếm phần lớn, các việc theo đơn như bồi thường thiệt hại; trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện chiếm tỷ lệ ít hơn. 

Tuy nhiên, qua theo dõi thi hành án hành chính nói chung, Tổng cục THADS cho biết, vẫn còn tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan nhà nước, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. 

Thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS liên tục nhận được đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến việc không chấp hành án của cơ quan nhà nước như vụ bà Thái Thị Xuân Lan (tỉnh Đắk Lắk), vụ ông Lê Ân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Liên quan đến đặc điểm về chủ thể phải thi hành án trong trường hợp này là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Do đó, việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án là các cơ quan THADS nên công tác này là một lĩnh vực tương đối “nhạy cảm”, “dễ đụng chạm”, đặc biệt là khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND. Đồng thời, rất khó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành phần nghĩa vụ này vì sẽ ảnh hưởng đến kinh phí bảo đảm cho hoạt động của cơ quan phải thi hành án. 

Tổng cục THADS lý giải, thẩm quyền tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc các cơ quan THADS. Tuy nhiên, trong điều kiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan THADS hiện nay rất dễ tạo ra tâm lý nể nang trong việc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, kết quả thi hành đối với nội dung này chưa đạt được kết quả như mong muốn. 

Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện thể chế về THADS theo hướng dành một mục riêng trong Luật THADS để quy định cụ thể về việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Trong đó, cần làm rõ nội dung “được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án” tại khoản 4 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTPTANDTC-VKSNDTC; quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông…

Còn trước mắt, quan điểm của Tổng cục THADS là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thi hành đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nói chung và thi hành các quyết định về phần tài sản trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói riêng. 

Cụ thể, tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, Nghị định số 71 nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác thi hành án hành chính ở các bộ, ngành, địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài. 

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa sự kiểm soát của phương tiện thông tin đại chúng và người dân trong việc xét xử và thi hành án hành chính. Đây là một kênh giám sát hiệu quả, đề cao dân chủ và đòi hỏi Tòa án, cơ quan hành chính và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ, tôn trọng và thi hành pháp luật.

Đọc thêm