Hầu hết gỗ sau khi được khai thác sẽ được tập kết ở khu vực sông Sê San, các đối tượng sẽ chở gỗ xuôi theo đường thủy để đưa về tập kết tại huyện Ia Grai. Từ đây gỗ được các đầu nậu thu mua và tẩu tán về các xưởng gỗ trên địa bàn huyện.
Tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), hàng chục chiếc xe ô tô và xe máy độ chế chuyên dụng được “lâm tặc” sử dụng để vận chuyển gỗ lậu đang sẵn sàng chờ lệnh khi có hàng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và bắt giữ 29 vụ vận chuyển trái phép gỗ, với gần 19 m3 gỗ tròn, 98,1 m3 gỗ xẻ, xử phạt hơn 135 triệu đồng.
Ông Dương Đắc Thế - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết: Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng truy quét “lâm tặc” nhưng cũng gặp khó khăn do địa bàn rộng, lại tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện các đối tượng bằng mọi cách tháo chạy nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng ở địa phương đã phát hiện và xử lý khoảng 170 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, với trên 770 m3 gỗ trái phép. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 20% số vụ và tăng 38% khối lượng gỗ.