Lâm tặc khuất phục trước lực lượng bảo vệ rừng Thái Nguyên

Sau loạt bài Rừng xanh “rên xiết” đăng trên PLVN  tháng 3 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những "nỗ lực tuyệt vời" trong công tác bảo vệ rừng, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết.

Những ngày cuối năm 2010, trao đổi với PLVN, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, sau loạt bài Rừng xanh “rên xiết” đăng trên PLVN hồi tháng 3 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những nỗ lực tuyệt vời trong công tác bảo vệ rừng.

Loạt bài "Rừng xanh rên xiết" trên PLVN
Loạt bài "Rừng xanh rên xiết" trên PLVN

Theo ông Tuấn, năm 2010, Thái Nguyên là một trong hai tỉnh được biểu dương tại hội nghị Kiểm lâm toàn quốc được tổ chức tại Gia Lai hồi tháng 10/2010.

“Riêng với khu rừng Thần Sa Phượng Hoàng, tôi đã trực tiếp bám sát, thậm chí là đi tuần tra thực tế vào khu rừng này trong các buổi đêm để đánh giá tình hình. Sau gần 1 năm, có thể nhận thấy sự thay đổi tích cực trong công cuộc đấu tranh chống lâm tặc tại khu rừng này” - ông Tuấn nói.

Trở lại với Thái Nguyên - địa phương từng là “điểm nóng phá rừng”, ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã có cuộc trao đổi với PLVN về công tác bảo vệ rừng của “xứ chè” sau khi thực trạng “Rừng xanh rên xiết” được đưa lên mặt báo.

- Thưa ông, sau loạt bài “Rừng xanh rên xiết” mà PLVN đăng tải, tỉnh Thái Nguyên đã tuyên chiến với lâm tặc như thế nào?

 - Trước tiên, chúng tôi xin gửi lời cám ơn tới quý báo khi đã cử phóng viên về thâm nhập thực tế để phản ánh về thực trạng khai thác rừng trái phép tại khu Thần Sa Phượng Hoàng. Qua loạt bài trên, chúng tôi đã có thêm được nhiều thông tin, góc nhìn quý báu để kiểm điểm lại công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Về các biện pháp bảo vệ rừng, chúng tôi xác định: Phải thật nặng tay đối với những kẻ đang ngày đêm khai thác trái phép rừng để thu lợi bất chính. Biện pháp cương quyết nhất mà chúng tôi thể hiện là xử lý thật nghiêm minh với những lâm tặc mà lực lượng kiểm lâm, công an và người dân phát hiện, bắt giữ được.

Sự mạnh tay đó được thể hiện qua việc năm 2010 là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên đưa ra xét xử hình sự các vụ chống người thi hành công vụ, chở gỗ lậu của các lâm tặc mà chúng tôi bắt giữ được.

Cụ thể, trong năm nay đã có 6 vụ được xét xử với 8 bị cáo. Kết quả, có 6 bị cáo bị phạt tù giam với tổng mức án là 114 tháng. 1 án treo 24 tháng cho 1 bị cáo nữ. Đặc biệt, có 1 án tử hình ở cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Sự mạnh tay đó đã đem lại những kết quả nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã có sự thống nhất tuyệt đối về chủ trương mạnh tay với lâm tặc từ bên ủy ban đến thường vụ tỉnh ủy, để từ đó có sự chỉ đạo tới các lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án trong việc thống nhất quan điểm của tỉnh.

Nhờ đó, các lực lượng lâm tặc đã không còn dám manh động, chống trả lại lực lượng kiểm lâm, công an khi truy đuổi. Nhờ đó, số lượng các phương tiện khai thác rừng, vận chuyển gỗ trái phép thu giữ được trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng tới 73,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiền thu và nộp ngân sách từ các đối tượng “lâm tặc” là hơn 5,7 tỷ đồng, tăng 63,5 % so với cùng kỳ năm trước.

Đây chính là tiền đề để tỉnh Thái Nguyên triển khai các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng dài hơi.

- Đối với công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ kiểm lâm, tỉnh Thái Nguyên có biện pháp gì để phòng, chống tiêu cực trong đội ngũ này?

- Những đóng góp của đa số những anh em kiểm lâm là rất lớn nhưng cũng không thể phủ nhận là có những kiểm lâm biến chất đang tồn tại trong hành ngũ kểm lâm. Vì thế, chúng tôi luôn theo sát các hoạt động của lực lượng này. Bản thân tôi cũng luôn có những kênh thông tin riêng để nghe ngóng về hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Những cán bộ chủ chốt thường xuyên được luân chuyển địa bàn để tránh chuyện tiêu cực.

Ông từng nói lực lượng kiểm lâm của Thái Nguyên là quá mỏng so với diện tích rừng cần được bảo vệ?

- Đúng là với gần 240 con người hiện có thì lực lượng kiểm lâm chính quy của Thái Nguyên là quá mỏng. Chính vì thế, chúng tôi chủ động xây dựng thêm các lực lượng khác vào công tác bảo vệ rừng.

Cụ thể, các lực lượng công an luôn sẵn sàng thự hiện nhiệm vụ phối hợp với kiểm lâm. Ngoài ra, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai việc đưa lực lượng quân đội vào các khu rừng để lực lượng này bảo vệ rừng. Đây được coi như là một cách làm sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên khi linh động áp dụng Nghị quyết Trung ương 7 về việc xây dựng nông thôn mới trong sạch, ổn định vững mạnh về an ninh quốc phòng được gắn bó cùng vào tiêu chí bảo vệ rừng.

Một địa phương có nền an ninh, chính trị vững mạnh không thể là địa phương có lâm tặc được. Theo đó, quân đội là lực lượng rất quan trọng trong công tác bảo vệ rừng.

Ngoài những biện pháp cấp bách trên, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được chiến lược dài hơi để bảo vệ rừng hay chưa?

- Muốn bảo vệ rừng, về lâu dài, nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống bà con nhân dân nơi có rừng được coi là nhiệm vụ sống còn.

Thực ra, người dân ở các khu vực có rừng không phải không ý thức được tác hại của việc khai thác gỗ rừng tràn lan, trái phép. Tuy nhiên, vì cuộc sống của họ quá thiếu thốn nên họ mới phải làm công việc vất vả, nguy hiểm, lại phạm pháp đó nữa.

Ý thức được điều này, các vùng có rừng luôn được chúng tôi chú trọng ưu tiên phát triển kinh tế. Ví dụ như khu vực huyện Võ Nhai, nơi có 6 xã có diện tích rừng Thần Sa Phượng Hoàng, được chúng tôi coi đây là vùng ưu tiên số một trong việc phát triển kinh tế của tỉnh. Bà con nhân dân tại đây năm vừa rồi được cấp giống, phân bón miễn phí, được hướng dẫn canh tác đúng kỹ thuật. Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát tìm giống lúa, cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù sinh thái của vùng này. Hiện, dự án về nuôi giống gà Mông đang được triển khai thí điểm tại 6 xã này và đã cho kết quả rất khả quan.

Tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các sở, ban ngành thuộc tỉnh lập mỗi đơn vị sở, ngành một đội công tác có nhiệm vụ hỗ trợ các xã trên về việc phát triển kinh tế. Các đội công tác này liên tục phải bám sát địa bàn để báo cáo, đề xuất về các bất câp, tồn tại trong việc phát triển kinh tế và đưa ra được hướng phát triển cụ thể để tỉnh xét duyệt.

Ngoài ra, chúng tôi đang kiến nghị lên Trung ương về việc tăng tiền công khoán trông coi rừng cho dân từ 100.000 đồng/hecta/năm lên khoảng trên 300.000 đồng/hecta/năm đối với các cá nhân nhận trách nhiệm trông coi, bảo vệ rừng. Có như vậy thì người dân mới làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Thiết lập “vòng vây lâm tặc” quanh huyện Võ Nhai

Ông Ngô Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Riêng trong năm 2010, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiến hành tổng kết, sơ kết các hoạt động sớm hơn các năm trước để tập trung mọi lực lương vào công tác truy quét dịp cuối năm giáp Tết âm lịch, thời điểm khai thác gỗ trái phép diễn ra rầm rộ nhất trong năm.

Ông Hải cho biết thêm, tại huyện Võ Nhai, nơi mà báo PLVN có loạt bài điều tra về khai thác rừng trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cho lập thêm 5 chốt chặn tại các cung đường mà lâm tặc có thể tuồn gỗ từ rừng ra bên ngoài. Ngoài ra, một đội kiểm lâm cơ động với quân số 12 người cũng được kiện toàn để chi viện thêm cho huyện Võ Nhai.

Thọ Phước (thực hiện)

Đọc thêm