Các nhà khoa học đã chứng minh, nguyên nhân gây hôi miệng chủ yếu là do sự phát triển mạnh mẽ của các vi khuẩn trong khoang miệng. Chúng phá vỡ cấu trúc của các axit amin, protein có trong thực phẩm, sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi và có mùi khó chịu như hydrogen sulfide, dimethyl sulfide, methyl mercaptan…
Bài kiểm tra hôi miệng
Không phải ai trong chúng ta cũng có thể tự ngửi thấy mùi hôi miệng của mình. Lý do là bởi chúng ta đã quá quen thuộc với nó. Hơn nữa, những tác nhân bên ngoài như môi trường, thực phẩm cũng khiến bạn khó có thể nhận diện được mùi hơi thở của mình. Do đó, bạn chỉ có thể nhận ra mình bị hôi miệng khi người đối diện biểu hiện khác thường như: Nhăn mặt, lấy tay khẽ che mũi, quay đi chỗ khác hay nhắc nhở vì miệng bạn quá hôi… Và đến lúc ấy thì chắc bạn chẳng còn cái “lỗ nẻ” nào mà chui nữa. Vì vậy, để tránh rơi vào tình trạng “ngượng chín mặt”, hãy thử kiểm tra hơi thở của mình bằng các phương pháp dưới đây:
Cách đơn giản nhất là bạn hãy nhờ người thân hoặc bạn bè đánh giá xem liệu mình có thật sự bị hôi miệng hay không. Tuy nhiên, cách này không chính xác vì người đánh giá có thể bị nhầm lẫn nếu như bạn vừa ăn những thực phẩm có mùi như: Hành, tỏi, mắm tôm, hải sản…
Một cách khác nữa được khá nhiều người áp dụng đó là khum hai bàn tay lại che kín miệng và hà hơi. Cách này có thể giúp bạn nhận biết mùi hôi miệng nhanh nhất nhưng lại không thực sự chính xác.
Phương pháp thử hơi thở cho kết quả chính xác nhất là… liếm lên mu bàn tay, đợi vài giây để nước bọt khô đi và ngửi thử xem khu vực này có mùi hay không? Do nước bọt hấp thụ các khí có mùi hôi trong miệng nên khi bốc hơi, nước bọt sẽ ít nhiều mách cho bạn biết về mùi của hơi thở mình.
Làm thế nào để hết hôi miệng?
Trước hết, hãy đảm bảo bạn uống đủ từ 6-8 ly nước mỗi ngày để tránh bị khô miệng. Sau khi ăn, bạn nên súc miệng bằng nước để rửa trôi các thức ăn mắc kẹt bên trong răng và làm sạch miệng, kiềm chế sự sinh sôi của vi khuẩn. Cần giữ răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng 3 lần/ngày sau mỗi bữa ăn chính, dùng thêm nước súc miệng chuyên dụng nếu cần, thường xuyên cạo lưỡi để loại trừ mảng bám.
Bạn nên tránh các thức ăn gây mùi như hành và tỏi vì đánh răng hay súc miệng không đủ để giúp bạn đánh bay mùi hơi thở. Ngoài ra, bạn cũng nên bỏ thuốc lá vì một số chất trong thuốc lá có thể bám lại trên răng, khiến hơi thở bốc mùi. Một loại thực phẩm nữa cần hạn chế là đồ ngọt bởi chúng có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn trong miệng. Vì vậy, bạn nên tránh ăn đồ ngọt sau bữa ăn và nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết ra nước bọt. Đó là cơ chế bảo vệ tự nhiên của miệng chống lại axit mảng bám gây sâu răng và hơi thở hôi.
Nếu những phương pháp trên không hiệu quả, bạn hãy thử súc miệng bằng nước sắc thảo dược. Một số loại thảo dược có khả năng ức chế mùi hôi miệng hiệu quả là: chè xanh, húng chanh, ngò gai, chanh, bạc hà, quế…
Ngoài tác nhân vi khuẩn, hôi miệng có thể là hệ quả của các căn bệnh về răng miệng, viêm tai mũi họng, bệnh hô hấp hoặc bệnh tiêu hoá… Vì vậy, nếu bạn đã thử hết những cách trên mà hôi miệng vẫn quay trở lại, hãy thử đến gặp bác sĩ để xác định xem liệu mình có mắc những căn bệnh trên hay không.
Làm thể nào để nhắc khéo người khác biết họ bị hôi miệng?
Việc nói chuyện với người có hơi thở “bốc mùi” có thể khiến bạn không thoải mái nhưng nếu bạn tỏ thái độ sẽ khiến người ấy cảm thấy xấu hổ và bạn bỗng dưng trở thành một… kẻ vô duyên. Thay vì nói thẳng toẹt, bạn có thể ý nhị mời người ấy một chiếc kẹo cao su không đường hoặc kẹo bạc hà. Nếu bạn của bạn từ chối, hãy nhẹ nhàng nhấn mạnh: “Mình nghĩ bạn nên ăn nó”. Hầu hết mọi người sẽ đều nhận ra được sự gợi ý này từ bạn. Hoặc bạn cũng có thể đưa ra lời gợi ý về việc người ấy đã đến lúc cần đến gặp nha sĩ.
Tuy nhiên, hãy luôn đảm bảo rằng, bạn đã lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận và sự nhắc nhở tế nhị này là chuyện riêng, chỉ được đề cập ở chỗ vắng người, bởi lẽ người nghe sẽ cảm thấy xấu hổ. Trường hợp không muốn nói, bạn cũng có thể ghi lại một tờ giấy nhỏ và kẹp vào cuốn sổ nhỏ nơi bàn làm việc của người ấy.
Điều quan trọng là dù ở trường hợp nào, bạn đừng quên sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, chính xác để giúp người ấy không bị quá xấu hổ. Việc này không chỉ giúp người nghe thấy bạn đang quan tâm đến sức khỏe của họ mà bạn còn vô cùng tinh tế nữa.