Báo PLVN online từng đăng bài “Cùng một Tòa, mỗi phiên xử một nẻo” phản ánh việc TAND huyện Gia Lâm (Hà Nội) xử phạt ba bị cáo: Lê Văn Thắng, Lê Quang Thịnh và Trịnh Việt Cường mức án thấp hơn rất nhiều so với HĐXX sơ thẩm lần một (cùng của TAND huyện Gia Lâm) và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Hôm qua (18/8), HĐXX phúc thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vì có nhiều nội dung cần làm rõ và việc sử dụng Kết luận giám định không “chuẩn”.
Giám đốc “điều quân” ở ngoài vòng tố tụng
Tối 11/2/2008, anh Nguyễn Đình Bài (sinh năm 1961, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nhà Lê Văn Thắng (ở Gia Lâm, Hà Nội) để đòi nợ. Không trả nợ, Thắng còn gọi điện đến công ty nơi mình làm việc gặp Giám đốc Nguyễn Kiều Hưng (sinh năm 1975) nhờ gọi người đến trợ giúp. Sau đó, Hưng bảo nhân viên bảo vệ Cường (sinh năm 1975), Lê Quang Thịnh (sinh năm 1983) và một số công nhân khác đến giúp Thắng.
Cường, Thịnh vào can ngăn anh Bài và Thắng thì bị anh Bài dùng mũ bảo hiểm đánh lại nên Cường đã dùng dùi cui, Thịnh và Thắng dùng dao lao vào đánh, chém làm anh Bài bỏ chạy. Cả bọn đuổi đánh khi nạn nhân ngã gục vào tường mới thôi.
Với hơn 11 vết chém, trong đó một ở đỉnh đầu, một vào cổ, anh Bài được Tổ chức Giám định pháp y TP.Hà Nội kết luận bị tổn hại 29% sức khoẻ. Sau đó, TAND huyện Gia Lâm quyết định trưng cầu giám định lại và Viện Pháp y Quân đội kết luận anh Bài bị tổn hại 37% sức khỏe.
Khi xử sơ thẩm lần một, HĐXX đã xử phạt Thắng 8 năm tù, Cường 9 năm tù, Thịnh 6 năm tù và kiến nghị Tòa phúc thẩm xem xét tội danh đối với các bị cáo này vì có dấu hiệu của tội “Giết người” và bỏ lọt tội phạm đối với Nguyễn Kiều Hưng.Tuy nhiên, khi xét xử lần hai, cũng tại TAND huyện Gia Lâm, Thắng chỉ bị án 3 năm tù (án treo), Thịnh 33 tháng 29 ngày tù (án treo) và Cường 30 tháng tù.
Bản án này bị VKSND kháng nghị đề nghị tăng hình phạt với các bị cáo. Phía bị hại kháng cáo đề nghị truy cứu trách nhiệm của các bị cáo và Nguyễn Kiều Hưng về tội “Giết người”.
|
Ba bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm |
Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án?
Tại phiên tòa hôm qua, đại diện VKSND TP.Hà Nội đã bất ngờ rút kháng nghị tăng hình phạt của VKSND huyện Gia Lâm và đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị hại vì không đủ cơ sở để truy tố các bị cáo về tội “Giết người”, không đủ cơ sở để khẳng định anh Hưng là đồng phạm trong vụ án.
Phản ứng gay gắt với quan điểm trên, cả anh Bài và Luật sư của mình đều khẳng định các bị cáo có ý định tước đoạt sinh mạng của bị hại, thể hiện qua những vết chém chí mạng vào đầu, vào gáy và chém rách sáu lần áo của bị hại, chém đến khi bị hại nằm bất tỉnh mới chịu dừng...
Trong khi đó, Hưng cũng là người tham gia đánh bị hại. Lời khai và đối chất tại cơ quan điều tra của các bị cáo đều thể hiện Hưng là người cùng các bị cáo đuổi đánh anh Bài bằng chân tay không, mặc dù các bị cáo này không liên quan đến việc nợ nần...
Đặc biệt, anh Bài còn cho biết, chiếc mũ bảo hiểm mà anh dùng để đỡ những vết chém của các bị cáo không phải là chiếc mũ mà HĐXX đưa ra xem xét tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (có sự đánh tráo tang vật vụ án). Đây chính là một trong những lý do mà HĐXX phúc thẩm thấy cần phải trả hồ sơ để điều tra lại. Ngoài ra, HĐXX còn yêu cầu điều tra lại để làm rõ nội dung bị cáo Thắng khai trước Tòa về việc không trả nợ tiền cho anh Bài do nhờ anh Bài “chạy án” (trong một vụ ly hôn) không thành, xem đây là một quan hệ dân sự hay dấu hiệu hình sự.
Cũng như lý do hủy án lần trước, HĐXX thấy rằng Kiều Đình Hưng đã tiếp nhận thông tin từ Thắng, điều động bị cáo Cường (bảo vệ công ty) ra ngoài phạm vi công ty để đến trợ giúp cho Thắng. Đáng lẽ phải báo cơ quan có thẩm quyền nhưng Hưng lại để các bị cáo mang hung khí đi gây án, tham gia đánh anh Bài bằng tay chân. Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không truy cứu trách nhiệm hình sự của Hưng. Một sai sót nữa của cấp sơ thẩm là việc công nhận kết luận trưng cầu giám định (lần 1) của Tổ chức giám định pháp y trong khi Kết luận này đang bị khiếu nại, chưa đảm bảo cơ sở vững chắc.
Như vậy, sau 2 năm kể từ khi xảy ra vụ đánh người, vụ án lại quay trở về giai đoạn điều tra. Trước khi vụ án này được xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Quốc Hội - Thẩm phán chủ tọa phiên tòa này đã từng nhận xét: “Vụ án này phức tạp, kéo dài không phải ở tình tiết vụ án mà là do chính các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Cùng với việc điều tra lại vụ án này, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại ý kiến của ông Hội.
Khoa Lâm