Theo AP, quy định về việc thành lập Lực lượng Không gian của Mỹ là một phần của gói chi tiêu trị giá 1,4 nghìn tỷ USD, bao gồm ngân sách của Bộ Quốc, mức tăng lương 3,1% cho binh sĩ; lần đầu tiên có chế độ nghỉ phép chăm sóc gia đình được trả lương cho tất cả các công chức liên bang, nguồn tài chính cho hàng rào biên giới Mỹ - Mexico…
Thành lập Lực lượng Không gian lâu nay là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump. Vì vậy, việc chính thức ký ban hành NDAA được xem là một chiến thắng của ông Trump chỉ 2 ngày sau khi ông bị Hạ viện Mỹ luận tội.
Ý tưởng về việc thành lập lực lượng không gian – nhánh thứ 6 trong lực lượng quân đội Mỹ bên cạnh các lực lượng lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên – được ông Trump công bố hồi tháng 6 năm ngoái. Theo Tổng thống Mỹ, việc thành lập nhánh quân đội này là cần thiết bởi Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải xử lý những điểm yếu của họ trong không gian, khẳng định vị trí thống trị của Mỹ trong quỹ đạo.
“Sự hiện diện của Mỹ trong không gian thôi là chưa đủ. Chúng ta phải thống lĩnh không gian. Chúng ta có lực lượng không quân và sắp tới sẽ có lực lượng không gian. Hai lực lượng này tách biệt nhưng ngang bằng. Lực lượng mới là rất quan trọng”, ông Trump tuyên bố.
Trong phát biểu làm rõ thêm ý tưởng của ông Trump 2 tháng sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Pence tuyên bố “đã đến đến lúc viết chương vĩ đại tiếp theo trong lịch sử các lực lượng vũ trang của Mỹ”. “Đã đến lúc chuẩn bị cho chiến trường tiếp theo, nơi lực lượng hùng mạnh nhất, dũng cảm nhất của Mỹ sẽ đứng ra ngăn chặn và đánh bại những đe dọa mới nhằm vào người dân và đất nước của chúng ta”, ông Pence nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của quân chủng mới đầu tiên được thành lập trong hơn 70 năm, cuối tháng 8 vừa qua, ông Trump đã thông báo tái thành lập Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ do Tướng Không quân John W. Jay Raymond làm tư lệnh, có 4 căn cứ quân sự với hàng trăm nhân sự, chịu trách nhiệm bảo vệ các lợi ích của Mỹ trên vũ trụ.
Đối với quân đội Mỹ, việc thành lập lực lượng mới khẳng định nhu cầu tổ chức lực lượng một cách hiệu quả hơn để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong không gian, đặc biệt là các vệ tinh được sử dụng để điều hướng và liên lạc trong bối cảnh không gian đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ và với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Trong một báo cáo hồi tháng 2 năm ngoái, Lầu Năm Góc khẳng định Trung Quốc và Nga đã bắt tay vào những nỗ lực lớn để phát triển các công nghệ có thể cho phép họ phá vỡ hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ và đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột. Báo cáo cho biết, Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với quyền tự do hoạt động trong không gian.