'Làn gió mới' trong dạy và học ngoại ngữ tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghệ An là một tỉnh có địa bàn tỉnh rộng, dân số đông, phân bố không đồng đều, có nhiều huyện miền núi và miền núi cao, sự chênh lệch vùng miền lớn nên so với yêu cầu đặt ra việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn tồn tại một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, việc triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ 2020 ở phổ thông vẫn còn thấp cả về số trường cũng như số học sinh (đặc biệt ở các huyện miền núi); số giáo viên đạt chuẩn năng lực thực sự để giảng dạy chương trình mới tiếng Anh 10 năm còn thấp so với yêu cầu; chất lượng dạy và học ngoại ngữ đại trà thấp, kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Tiếng Anh của học sinh tỉnh Nghệ An thấp nhất cả nước; trình độ và năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế...

Trước thực tế đó, ngày 23/7/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, chính thức bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, Đề án giống như “làn gió mới” thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ trong địa bàn tỉnh, thay đổi cách dạy, cách học trong trường phổ thông hướng đến việc đào tạo ngoại ngữ với đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, có cam kết đầu ra theo chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế sau khi tốt nghiệp từng cấp học. Đồng thời, là cơ sở để tiến tới xây dựng trường phổ thông tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến hết năm 2023, Nghệ An đã tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế được cho hơn 2.600 giáo viên tiếng Anh; từ đó xây dựng lộ trình và kế hoạch bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế. Việc bồi dưỡng cũng được ngành Giáo dục Nghệ An đẩy mạnh.

Theo đó, có gần 400 giáo viên tiếng Anh phổ thông được được bồi dưỡng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (IELTS, TOEIC); khoảng 400 giáo viên tiếng Anh phổ thông được bồi dưỡng năng lực sư phạm; gần 200 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học được bồi dưỡng dạy tích hợp tiếng Anh với các môn Toán và Khoa học.

Mặt khác, chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường bước đầu có nhiều tiến bộ, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn: Kết quả thi tốt nghiệp THPT trung bình lần đầu tiên đạt trên 5 điểm; từ năm 2020 đến nay, nhiều học sinh đạt giải cao (Nhất, Nhì...) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Tiếng Anh và trong các cuộc thi cấp quốc gia khác; số lượng học sinh lớp 12 được miễn thi tốt nghiệp THPT và được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng tăng đột biến (năm 2020 chỉ có 175 học sinh nhưng đến năm 2023 đã tăng lên đến 1.012 học sinh).

Cũng theo Sở GD&ĐT Nghệ An, việc triển khai Đề án cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hoá trong dạy học ngoại ngữ. Kết quả thực hiện dạy học ngoại ngữ trong nhà trường đã lan toả và kích thích việc học ngoại ngữ ngoài nhà trường và trong xã hội. Đến thời điểm cuối năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An đã có 252 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh, Trung, Nhật) được thành lập và đi vào hoạt động ở hầu hết các huyện, thành, thị toàn tỉnh.

Ngoài ra, số lượng học sinh tham gia chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục tăng đột biến ở năm học 2022 - 2023, cụ thể: bậc học mầm non: tổ chức 2.398 lớp với 55.154 học viên cấp tiểu học, tổ chức 671 lớp với 20.801 học viên; cấp THCS: tổ chức 189 lớp với 5.969 học viên; cấp THPT: tổ chức 149 lớp với 3.081 học viên.

Ông Phan Chí Nghĩa - Chuyên viên phụ trách ngoại ngữ, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, để bảo đảm chất lượng các lớp bồi dưỡng, Sở GD&ĐT Nghệ An đã thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ để xây dựng kế hoạch, xác định chương trình bồi dưỡng thích hợp cho từng nhóm đối tượng giáo viên. Đồng thời, tổ chức xây dựng chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, thiết thực và phù hợp từng nhóm đối tượng giáo viên, cũng như tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được đơn vị bồi dưỡng có năng lực và có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh.

Có thể thấy, việc tỉnh Nghệ An triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ đã từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đọc thêm