Làn sóng hội nhập buộc phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ

(PLO) - Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu chính là một trong những lý do khiến Quốc hội phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ. Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được trình QH trong phiên họp sáng nay (7/11).
Làn sóng hội nhập buộc phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007) với tư thế một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD).

Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. 

Tuy nhiên, đến nay, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn.

 Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ... Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động quản lý nhà nước về công nghệ và chuyển giao công nghệ. 

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã  thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan. 

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề sau: (i) Phát triển thị trường KH&CN; (ii) Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (iii) Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; (iv) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; và (v) Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ. 

Một số nội dung mới được bổ sung trong Dự luật như: 

Quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường KH&CN (Khoản 1 Điều 35 Dự thảo Luật).

Quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án KH&CN, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh (khoản 3 Điều 46 Dự thảo Luật).  

Cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các cơ quan liên quan về chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ, quy định về kiểm toán giá công nghệ trong chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ - công ty con hoặc giữa các bên có quan hệ liên kết; tổ chức điều tra, thu thập thông tin về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ (khoản 3 Điều 23 và Điều 51 Dự thảo Luật). 

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia (Điều 5, Điều 12 và Điều 26 Dự thảo Luật). 

Mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp (khoản 4 Điều 46 Dự thảo Luật). 

Quy định về thống kê chuyển giao công nghệ theo hướng phù hợp với Luật Thống kê 2015.

Đọc thêm