Không “dưng” có sự tiêu cực
Dạo quanh một vòng các trang thông tin, mạng xã hội không khó để nhìn thấy những tiêu đề như: “Phim Cậu Vàng bị tẩy chay”; “Trạng Tí chưa ra rạp đã bị tẩy chay”;… Khắp nơi đều là những bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng cùng với làn sóng tẩy chay nóng hơn bao giờ hết. Mọi mũi rìu của dư luận đều được chĩa thẳng vào hai bộ phim “đình đám” hiện nay là Cậu Vàng và Trạng Tí.
Cậu Vàng và Trạng Tí là hai tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ hai tác phẩm văn học nổi tiếng. Cậu Vàng là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm “Lão Hạc” của tác giả Nam Cao, được đánh giá là truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực Việt Nam. Bộ phim Cậu Vàng được đạo diễn Trần Viết Thuỷ làm theo tâm nguyện của cố NSƯT Bùi Cường cũng là bố vợ của đạo diễn. Do đó, đạo diễn Viết Thuỷ từng tâm sự anh đặt rất nhiều tâm huyết vào tác phẩm lần này và mong công chúng sẽ đón nhận. Bên cạnh đó anh thừa nhận anh gặp áp lực lớn vì thực hiện tác phẩm theo tâm nguyện của cố NSƯT Bùi Cường. Đồng thời phải giữ được tinh thần, giá trị nhân văn từ nguyên tác Lão Hạc quá kinh điển và nổi tiếng của cố nhà văn Nam Cao.
Vậy nhưng, từ những ngày đầu tiên trong khâu chuẩn bị, nhà làm phim đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của khán giả. Sau nhiều lần tổ chức những buổi casting cho nhân vật “Cậu Vàng” với sự tham gia của nhiều giống chó Việt Nam được huấn luyện như chó Bắc Hà, Phú Quốc,… Thì nhà sản xuất lại chọn một chú chó giống Shiba – của Nhật Bản để đóng nhân vật chính. Với lý do của đạo diễn là chó Việt Nam không đạt đủ các điều kiện.
Đây cũng là khởi đầu cho hàng loạt tranh cãi xoay quanh bộ phim Cậu Vàng. Mặc dù ngay khi công bố diễn viên, đoàn phim đã bị chỉ trích nhưng vẫn cho quay đúng như dự định. Để cho đến bây giờ khi phim đã được ra mắt vẫn không nhận được sự ủng hộ của khán giả Việt. Có nhiều ý kiến như: “Tác phẩm Cậu Vàng lấy bối cảnh nạn đói 1945 do Nhật Bản gây ra giờ dựng phim lại đi lấy chó Shiba của Nhật đi đóng có khác nào vả mặt khán giả không? Tính ra nguyên đoàn phim không biết điều đó luôn, về lấy sách ra đọc lại rồi hãy làm phim!”. Hay: “Khi một dự án mang đậm dấu ấn Việt Nam nhưng Cậu Vàng lại là giống chó Shiba của Nhật Bản thì ai còn muốn xem nữa?”.
Trên đây chỉ là hai trong số vô vàn những bình luận tiêu cực và phản đối phim.
Cũng trong thời gian này, phim Trạng Tí của đạo diễn Ngô Thanh Vân đã đăng tải trailer phim, bên cạnh nhận được những lời khen về kỹ xảo, bố cục thì lại có những bình luận tranh cãi về việc bản quyền. Trạng Tí là bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt của tác giả Lê Linh. Khi có thông tin Trạng Tí đang trong giai đoạn rục rịch sản xuất, nhiều khán giả đã kỳ vọng đây sẽ là một sự thành công khác của Ngô Thanh Vân bởi bộ phim lấy chất liệu dựa trên tập truyện thuần Việt nổi tiếng.
Nguyên nhân ban đầu của việc tẩy chay này là vì bị ảnh hưởng bởi lùm xùm bản quyền giữa tác giả bộ truyện gốc với nhà xuất bản - đơn vị mà Ngô Thanh Vân đã mua bản quyền. Vụ kiện tác quyền 13 năm giữa tác giả Lê Linh và Công ty Phan Thị - đơn vị phát hành truyện. Sau 13 năm, đến ngày 03/09/2020 tác giả Lê Linh được tuyên bố thắng kiện và là tác giả duy nhất của bộ truyện.
Vậy nhưng, vấn đề ở chỗ Ngô Thanh Vân lại mua bản quyền truyện ở công ty Phan Thị vào năm 2018, khi mà vụ kiện vẫn đang trong quá trình xử lý. Do vậy cộng đồng fan lâu năm của truyện Thần Đồng Đất Việt và cư dân mạng đều đang lên tiếng đòi quyền lợi cho tác giả Lê Linh. Một số khán giả còn đặt nghi vấn nhà làm phim vi phạm bản quyền, còn đặt câu hỏi “liệu có ăn cắp?”.
Trước đó, tác giả Lê Linh của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt đã đăng tải bài viết gây bão mạng xã hội viết về “Trạng Tí và giấc mơ điện ảnh”. Ông bày tỏ thái độ không ủng hộ phim vì “tiền sẽ rơi vào tay bọn ác” (ý nói Công ty Phan Thị). Trong bài viết này, tác giả Lê Linh đã khẳng định rõ việc chuyển thể Thần Đồng Đất Việt thành phim cũng là ước mơ và mong muốn của ông từ lâu. Tuy nhiên, việc hãng phim của Ngô Thanh Vân chỉ làm việc tác quyền với Công ty Phan Thị mà không hỏi ý kiến, sự cho phép của tác giả Lê Linh đã khiến ông vô cùng thất vọng và buồn chán.
Dưới bài đăng của tác giả Lê Linh cũng có vô số người bình luận bênh vực tác giả như: “Phim dựa trên tác phẩm của tác giả Lê Linh nhưng không có được sự hỗ trợ và cố vấn của chính tác giả thì phim không đáng giá 1 xu, vội vàng làm phim khi chưa tìm hiểu tác giả thật sự là ai thì rất đáng trách. Và cũng là không biết là ai duyệt cho phim này sản xuất khi vẫn trong thời gian tranh chấp tác quyền. Rõ ràng luật pháp chỉ là một cuốn sách vô hại, 1 diễn viên hài công lý”.
Và cứ như thế, “Cậu Vàng” và “Trạng Tí” đang sống trong những tháng ngày bị khán giả tẩy chay trên mọi “mặt trận”. Điển hình như phim Cậu Vàng đang được công chiếu nhưng không nhận được sự ủng hộ của khán giả, các rạp chiếu phim đều vắng bóng người xem. Không biết được rằng liệu hai bộ phim chuyển thể nói trên có thể trụ vững được hay không hay sẽ bị nhấn chìm bởi chính khán giả Việt.
Chuyển thể thì phải chuẩn!
Thể loại phim điện ảnh chuyển thể từ văn học không phải là một thể loại phim mới. Trước đó cũng đã có rất nhiều những bộ phim chuyển thể đã từng ra mắt. Gần đây nhất, khán giả nước nhà được thưởng thức các phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”. Điều đáng nói, cả 3 phim này đều đạt doanh thu cao và nhất là “Mắt biếc” thu hơn 172 tỉ đồng.
Có lẽ chính kết quả doanh thu tốt của những tác phẩm điện ảnh chuyển thể có từ trước cũng là động lực cho các nhà làm phim mạnh dạn khai thác tác phẩm văn học. Đây cũng là tín hiệu tốt để các nhà sản xuất làm ra những tác phẩm điện ảnh đưa văn học Việt Nam đến với khán giả cả nước nhất là những bạn trẻ. Đương nhiên, việc chuyển thể này phải được đầu tư quy mô, chỉn chu đến từng chi tiết, sáng tạo sao cho hợp lý. Và quan trọng nhất là phải làm sao để không phá hỏng hình tượng các nhân vật đã được khắc họa sâu trong lòng bạn đọc. Để làm được điều đó không dễ.
Trở lại hai bộ phim Cậu Vàng và Trạng Tí, khi chưa tìm được nhân vật phù hợp hay chưa rõ ràng trong vấn đề bản quyền. Liệu rằng cứ ngưng lại một thời gian, đợi đến lúc mọi thứ đều hoàn chỉnh, chỉn chu nhất thì có kết quả khác so với bây giờ không? Nếu như nhà làm phim Cậu Vàng bỏ thêm thời gian tìm ra chú chó Việt phù hợp với vai diễn hay Ngô Thanh Vân có sự tìm hiểu kĩ hơn về tác quyền của bộ truyện thì có lẽ sẽ không có cảnh người Việt tẩy chay phim Việt…
Chính cách làm phim vội vàng như vậy đang khiến các nhà làm phim dần đẩy chính tác phẩm điện ảnh của mình vào ngõ cụt. Dường như họ đang quá ỷ lại vào sự nổi tiếng của các tác phẩm văn học nổi tiếng, nghĩ rằng cứ làm phim chuyển thể thì sẽ thành công. Đồng ý rằng việc chuyển thể đó là đúng đắn nhưng từ những việc mà các đoàn làm phim đã làm, phải đặt câu hỏi rằng, liệu họ đang chuyển thể phim hay xuyên tạc tác phẩm?
Theo lời chị M.H một khán giả trung thành của phim Việt cho hay: “Chị luôn ưu tiên và ủng hộ các tác phẩm điện ảnh nước nhà, đặc biệt là các tác phẩm chuyển thể văn học. Mỗi bộ phim chuyển thể đều làm sống dậy và đưa câu văn của tác giả vào hiện thực. Nhưng đã chuyển thể thì phải chuẩn! Không chuẩn, không tôn trọng tác giả thì tốt nhất hãy cứ để nó ở yên trên trang giấy”.
Qua những sự việc trên ta thấy được rằng, khán giả Việt đang ngày càng chú trọng và quan tâm đến những giá trị nghệ thuật. Họ đang cần những bộ phim chuyển thể không chỉ chất lượng mà còn phải tương xứng với giá trị của tác phẩm văn học. Khán giả tẩy chay là có lý do của họ, các nhà làm phim có lẽ cũng cần học cách tiếp thu ý kiến từ khán giả bởi họ chính là nhân tố quyết định sự thành – bại của bộ phim. Văn chương chưa bao giờ là dễ dãi, điện ảnh cũng như vậy!