Ồn ào tác quyền
Phim Trạng Tí do Công ty Studio68 của Ngô Thanh Vân sản xuất, được dự đoán là bộ phim “hot” của năm 2021 vì đầu tư quy mô hoành tráng, dựa trên nội dung bộ truyện tranh Việt Nam ăn khách Thần đồng Đất Việt. Nhiều chiến dịch quảng bá cũng được phía nhà sản xuất tung ra khá rầm rộ.
Tuy nhiên, mới đây, họa sĩ Lê Linh, tác giả bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt đã có bài viết trên trang cá nhân của mình, chia sẻ nỗi buồn “bị bỏ quên” khi đứa con tinh thần của mình được dựng thành phim.
Theo họa sĩ Lê Linh, ông cũng từng mong mỏi bộ truyện được dựng thành phim, nhưng phim ra đời lại dựa trên hợp đồng của Studio68 và Công ty Phan Thị. Đồng thời, tác giả Lê Linh chia sẻ ông phát hiện Công ty Phan Thị đang cố dùng bút danh Lê Linh để đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Trước đó, vụ kiện ồn ào 12 năm giành tác quyền của họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị đã kết thúc với phán quyết công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 nhân vật Thần Đồng Đất Việt. Phan Thị bị buộc chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật trong truyện trên các biến thể khác nhau. Trong suốt hành trình của vụ kiện, vì những ẩn khuất bên trong gây bất công cho họa sĩ tác giả Lê Linh được phơi bày, phần đông công chúng đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho tác giả.
Chính vì thế, sau bài viết của ông, hàng loạt khán giả từ háo hức bỗng quay sang “tẩy chay” mạnh mẽ bộ phim Trạng Tí. Sự việc này khiến nhà sản xuất Ngô Thanh Vân phải liên tục “kêu khổ” trên trang cá nhân và các phương tiện truyền thông.
Theo Ngô Thanh Vân, Studio68 tiến hành mua bản quyền 5 tập của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt với Phan Thị vào thời điểm 2016-2018 và hoàn toàn không biết thông tin gì về vụ tranh chấp của họa sĩ Lê Linh và Phan Thị. Ngay sau khi họa sĩ Lê Linh lên tiếng mới đây, Ngô Thanh Vân đã liên hệ với ông để thương lượng về tác quyền nhưng ông từ chối.
Ý kiến trái chiều
Trước việc một bộ phận khán giả “tẩy chay” bộ phim Trạng Tí, dư luận chia hai luồng khá rõ rệt. Với nhiều người trong nghề, vụ việc là sự xui rủi không đáng có đối với một nhà sản xuất phim. Về lý, Ngô Thanh Vân tiến hành kí hợp đồng với Phan Thị là không sai, khi thời điểm ấy vụ kiện chưa rầm rộ, chưa có kết quả cuối cùng, Phan Thị đang được coi là đơn vị sở hữu bộ truyện.
Nói về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, “có hai vấn đề, thứ nhất chuyện bên Studio68 làm việc với ekip liên quan đến bản quyền Trạng Tí, nó xảy ra trước vụ kiện đó, thành ra không thể nói là Vân biết chuyện nhưng không liên hệ đúng người. Thứ hai, bản thân Vân là người khá cầu thị nên khi vụ kiện xảy ra, mọi việc ngã ngũ, bên phía Vân đã liên hệ, tuy nhiên, vấn đề là bên anh Linh có thoải mái với câu chuyện đó hay không.
Đứng ở góc độ của tôi, Vân và ekip đã làm hết sức mình rồi. Nếu vì lý do này, mọi người tẩy chay phim thì rất thiệt thòi. Đừng quá kích động câu chuyện để biến nó thành một mồi lửa làm cho mọi người phán xét một vấn đề mà rõ ràng lúc này chúng ta cần sự chia sẻ nhiều hơn là cãi vã để xem ai đúng ai sai.”
Điều khiến giới chuyên môn lên tiếng bênh vực Trạng Tí là thực trạng phim Việt hiện nay đang khá khó khăn do tình hình dịch Covid-19 cùng với sự dịch chuyển thói quen thưởng thức, nên để có được một bộ phim chất lượng ra rạp không dễ dàng. Thật đáng tiếc nếu phim chưa ra rạp đã bị “tẩy chay” vì “tai bay vạ gió” không phải lỗi do nhà sản xuất.
Không ít nhà làm phim đã lên tiếng kêu gọi khán giả ngừng “tẩy chay”, đồng thời mong sự đổi ý và hợp tác từ phía tác giả Lê Linh. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng, “tẩy chay” là quyền của khán giả, khi họ cảm thấy bộ phim “có vấn đề”.
Hiện, có hai lý do khiến khán giả kêu gọi “tẩy chay” bộ phim. Thứ nhất là vấn đề lùm xùm tác quyền. Thời gian gần đây, khi ý thức bảo vệ quyền tác giả được nâng cao trong cộng đồng, khán giả thường có phản ứng khá mạnh mẽ trước những vụ việc được cho là xâm phạm tác quyền.
Lý do thứ hai thuộc về nội dung phim và các vấn đề liên quan đến nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Bộ phim dù chưa ra mắt chính thức, đã nhận một số chỉ trích vì “phóng tác” quá đà, không giữ được hồn cốt nhân vật và một số hạt sạn khác liên quan đến tính lịch sử của bộ phim. Đồng thời, nhiều khán giả cho rằng, các phim của Ngô Thanh Vân hầu hết trước khi ra rạp đều từng dính dấp tới “drama” (tình huống gây kịch tính) và điều này khiến khán giả đặt ra các nghi vấn.
Bài học về tác quyền cho giới làm phim
Ở góc độ pháp lý, nhiều nhà sản xuất phim đặt câu hỏi liệu họa sĩ Lê Linh có quyền kiện nhà sản xuất hay không? Trước đó, trong phát xét của phiên tòa diễn ra gần đây nhất, HĐXX cho rằng Công ty Phan Thị chỉ giữ quyền sở hữu tài sản (4 hình tượng nhân vật) và có quyền thực hiện các tác phẩm phái sinh, nhưng không được sửa chữa, cắt xén hay làm các hành động gây tổn hại đến uy tín tác giả.
Bộ phim Trạng Tí là một tác phẩm phái sinh. Thông thường, ở một bộ phim chuyển thể, có thể được coi là một tác phẩm độc lập với truyện, người làm phim được quyền sáng tạo và thay đổi phần nào câu chuyện cho hợp với ý đồ xây dựng của mình. Tuy nhiên, đó là trường hợp nhà làm phim đã có thỏa thuận rõ ràng với tác giả.
Còn trong trường hợp “đặc biệt” của Trạng Tí, khi nhà làm phim thỏa thuận với “chủ sở hữu” này, nhưng sau đó tác phẩm lại được tòa phán quyết thuộc về một tác giả khác, câu chuyện sẽ được giải quyết như thế nào?
Thêm cái khó là tác giả này lại hoàn toàn không đồng ý lẫn vừa ý với bộ phim chuyển thể. Nếu tác giả kiện phim Trạng Tí sửa chữa, cắt xén gây ảnh hưởng đến nguyên tác, sự việc sẽ được giải quyết ra sao?
Nhiều người cho rằng, phía nhà sản xuất đã sơ suất khi không tìm hiểu kĩ tính chất pháp lý, bản quyền của tác phẩm gốc trước khi tiến hành thương thảo và sản xuất bộ phim. Cạnh đó, việc tiến hành chuyển thể một tác phẩm truyện tranh sang phim điện ảnh mà không tham khảo họa sĩ sáng tác sẽ gây các vấn đề rắc rối không đáng có về pháp lý lẫn bất ổn về nội dung cho phim.
Câu chuyện rắc rối xung quanh vụ kiện của các bộ phim nói trên vẫn chưa ngã ngũ. Rõ ràng, đây chính là một bài học xương máu cho những nhà làm phim trong các vấn đề liên quan đến tác quyền.