Lan tỏa giá trị Hà Nội

(PLVN) - Hôm qua (6/10), Hà Nội tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2024).

Đây là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội trong năm 2024, được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước và bạn bè quốc tế. Việc tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô. Đó là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Việt Nam là đất nước văn hiến, Hà Nội là nơi đại diện. Tuy nhiên, với Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung; nội hàm, khái niệm công nghiệp văn hóa còn rất mới.

Hơn bất cứ ở đâu, Hà Nội là Thủ đô từng được phong tặng, vinh danh những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là minh chứng điển hình khẳng định thành công của Hà Nội trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, nhân sự kiện này, cũng cần tiếp tục đặt ra vấn đề làm cách nào để những giá trị văn hiến, văn hóa Hà Nội trở thành “sức mạnh mềm”, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Hà Nội? Để Hà Nội là nơi đi đầu, dẫn dắt công nghiệp văn hóa của đất nước?

Cách đây hơn 2 năm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045”. Đây là một nghị quyết chuyên đề quan trọng, cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô. Mục tiêu chung được Hà Nội xác định là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường...

Từ Nghị quyết đến cuộc sống, còn một số vấn đề Hà Nội phải làm, phải xin ý kiến tháo gỡ từ tầm vĩ mô. Đó là xây dựng và có cơ chế thực thi hiệu quả Quy hoạch cấp quốc gia cho chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; ban hành triển khai hướng dẫn thực hiện “Khung tiêu chí/chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa”; sửa đổi, bổ sung những chính sách còn chênh với thực tiễn, tháo bỏ những “rào cản” trong phát triển; đề nghị Trung ương cho thí điểm một số chính sách về văn hóa nói chung và về công nghiệp văn hóa nói riêng...

Đọc thêm