Lan tỏa hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc văn hóa ra nước ngoài

(PLVN) -  “Ngày Quốc gia Việt Nam”, các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam tại nước ngoài, phổ biến tiếng Việt, hàng loạt sự kiện về các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, phim ảnh, thời trang, thể thao, ẩm thực… góp phần lan tỏa tới công chúng quốc tế, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và đầy tiềm năng phát triển, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế - thương mại - đầu tư, trở thành nguồn “sức mạnh mềm” củng cố vị thế, uy tín của đất nước.
Ngày Việt Nam tại Áo 2022 thu hút sự quan tâm của quan khách nước ngoài.

Rộn ràng văn hóa Việt trên thế giới

Những năm qua, ngành ngoại giao, văn hóa đã tổ chức hàng loạt các sự kiện quốc tế như: các lễ hội văn hóa, hội chợ quảng bá du lịch… nhằm đẩy mạnh việc quảng bá thành tựu văn hóa và hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời nâng cao năng lực học tập và tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, đấu tranh chống các hiện tượng phản văn hóa du nhập vào, làm xói mòn và biến dạng các giá trị văn hóa dân tộc.

Tại nước ngoài, các hoạt động nổi bật như giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam thông qua việc vinh danh các danh nhân, trong đó đặc biệt là vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Quốc gia Việt Nam các chương trình Tuần/Ngày Việt Nam tại nước ngoài, phổ biến tiếng Việt, hàng loạt sự kiện về các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, phim ảnh, thời trang, thể thao, ẩm thực… thu hút hàng triệu người trên các quốc gia.

“Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm 2022 được tổ chức tập trung tại Áo, Ấn Độ và Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia này. Chương trình do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO của Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, Ấn Độ, Hàn Quốc cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.

Chương trình Ngày Việt Nam tại Áo 2022 diễn ra vào ngày 28 - 29/9 tại Thủ đô Viên (Áo). Không gian văn hóa Việt Nam mang đến cho người dân và cộng đồng người Việt Nam tại Áo cơ hội tìm hiểu về chặng đường 50 năm hình thành và phát triển quan hệ hai nước thông qua triển lãm 34 bức ảnh về các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai bên.

Đồng thời, công chúng được tham gia trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam như: nghệ thuật trà Việt, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, biểu diễn nghệ thuật tranh sơn mài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam… Lần đầu tiên được giới thiệu và trải nghiệm trực tiếp các hoạt động văn hóa này, nhiều người dân tại Áo thích thú đón nhận. Không ít bạn trẻ đã ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt này và chia sẻ trên mạng xã hội.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, khách mời được tham dự lễ thượng cờ và cử quốc ca hai nước theo phong cách opera, điểm đặc biệt và hết sức độc đáo của Chương trình, đồng thời được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của hai nước, do dàn nhạc giao hưởng thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ Áo trình diễn. Những tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như: dân ca Việt Nam “Trống cơm”, “Trở về đất mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Die Forelle của nhà soạn nhạc Franz Schubert, đoạn trích vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của nhà soạn nhạc Mozart…

Giới thiệu nét văn hóa Việt tại Áo.

Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 sẽ diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tại Thủ đô Seoul nhân sự kiện lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc. Chương trình góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thắt chặt tình cảm hữu nghị giữa hai nước thông qua các hoạt động đáng chú ý như Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc; diễn đàn doanh nghiệp; chương trình giao lưu điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc; giao lưu ẩm thực với chủ đề “Ẩm thực gia đình trong văn hóa Việt -Hàn”; giới thiệu nghệ thuật trà Việt, biểu diễn rối nước và làm tranh dân gian Đông Hồ trong không gian văn hóa Việt Nam.

“Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Tới nay, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” đã được tổ chức tại các quốc gia: Hàn quốc, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Qatar, UAE, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Bangladesh, Canada, Nga, Trung Quốc…

Văn hóa ngàn năm được số hóa thu hút người trẻ

Điểm mới của “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm nay là sẽ diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để công chúng khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi, tham gia tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Hướng đến thu hút những người trẻ, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày Việt Nam tại Áo, Ấn Độ và Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp các đối tác chính thức ra mắt hai sản phẩm quảng bá trên nền tảng số, gồm: Triển lãm trực tuyến “Tranh sơn mài Việt Nam” tại link: https://tranhsonmai.baotangso.com với phiên bản tiếng Đức, tiếng Hàn, giới thiệu các tác phẩm sơn mài tiêu biểu Việt Nam qua nhiều thời kỳ, lịch sử phát triển cũng như các kỹ thuật chế tác tranh sơn mài Việt Nam;

Trò chơi điện tử về văn hóa Việt Nam mang tên “Lạc Việt phiêu lưu ký” tại link: https://www.lacbird.com/pcweb, đưa người chơi hóa thân thành du khách khám phá những địa danh, vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam.

Chỉ một cú nhấp chuột, rừng hoa ban bỗng hiện ra trên trang của trò chơi điện tử về văn hóa Việt Nam mang tên “Lạc Việt phiêu lưu ký” tại địa chỉ https://www.lacbird.com/pcweb. Những cành hoa lùi lại, để khách du lịch (cũng là người chơi game) tiến vào một không gian múa sạp. Nhạc nổi lên và người chơi game nhảy cùng nhịp gõ của tre nứa, nhảy thế nào để không bị kẹp chân và di chuyển hết được dàn sạp. Đó là trò chơi gắn với dân tộc Mường, được chọn đại diện cho văn hóa vùng Tây Bắc trong game này.

Văn hóa Việt trên đất nước Hà Lan.

Có 4 trải nghiệm như vậy trong trò chơi “Lạc Việt phiêu lưu ký”. Những khám phá khác là tìm hiểu phố cổ Hà Nội, cùng lên thuyền đua ở Quảng Bình và cưỡi voi ở Tây nguyên. Âm nhạc, hình ảnh được lựa chọn cũng mang tính tiêu biểu cho các nét văn hóa này. Chẳng hạn, hình ảnh hồ Gươm từ trên cao là hình ảnh mở màn cho phần khám phá phố cổ. Trải nghiệm cưỡi voi ở Tây nguyên được bắt đầu trong âm nhạc của cồng chiêng.

“Lạc Việt phiêu lưu ký” được giới thiệu dịp này, trong nội dung quảng bá văn hóa Việt của hoạt động “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”. Bên cạnh các ngày văn hóa tổ chức tại các nước còn có các hoạt động quảng bá online, trong đó có trò chơi này. Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Trần Quốc Khánh cho biết đây chính là cách “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” trở lại sau dịch với sự đặc sắc cũng như bài bản.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lại tự hào giới thiệu triển lãm trực tuyến Tranh sơn mài Việt Nam tại địa chỉ https://tranhsonmai.baotangso.com với phiên bản tiếng Đức, tiếng Hàn. “Chúng tôi giới thiệu tại trang này các tác phẩm sơn mài tiêu biểu Việt Nam qua nhiều thời kỳ, lịch sử phát triển cũng như các kỹ thuật chế tác tranh sơn mài Việt Nam. Trước đây, trang chỉ có bản tiếng Việt, tiếng Anh và giờ được bổ sung thêm tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc”, ông Minh cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa và lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều di sản văn hóa, kỳ quan thiên nhiên được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, con người Việt Nam cũng mang đầy đủ những tố chất để tự tin hội nhập cùng thế giới.

Theo lãnh đạo Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, những “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng quốc tế, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người trẻ hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và đầy tiềm năng phát triển, qua đó thúc đẩy các cơ hội hợp tác song phương, đa phương trên mọi lĩnh vực.

Đọc thêm