Lan tỏa mô hình tiêu dùng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xu hướng tiêu dùng xanh đang từng bước tác động vào thói quen tiêu dùng của người Việt. Mặc dù COVID-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn nhưng đây cũng là lúc doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn.
Nhiều siêu thị ở Hà Nội đã nói không với túi nilon khi bao gói hàng hóa.
Nhiều siêu thị ở Hà Nội đã nói không với túi nilon khi bao gói hàng hóa.

Tiêu dùng xanh hiện diện nhiều hơn

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (VCCA - Bộ Công Thương) vừa đưa ra nhận định, dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh này cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.

Dẫn khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp (Tập đoàn công nghệ IBM), VCCA cho biết, trong số 14.000 người đến từ 9 quốc gia tham gia khảo sát thì 90% người khẳng định COVID-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết, tính bền vững là yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp (DN). Các chiến dịch truyền thông về giảm rác thải nhựa, túi nilon đã được thực hiện khá nhiều trong khoảng 3 năm gần đây, được nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn triển khai như Vietnam Airlines, Saigon Co.op…

Các công ty, DN nhỏ hơn có những cách thức thay đổi để hướng tới tiêu dùng bền vững như dùng túi đựng bằng giấy (thay cho túi nilon trước đây), trong số này chuyển đổi mạnh nhất là các công ty chuyên về thời trang (một ngành cũng được coi có lượng rác thải khá lớn). Các cửa hàng dịch vụ cũng đang hạn chế dần sử dụng túi nilon khi yêu cầu khách hàng phải chi tiền cho việc dùng túi nilon. Một số siêu thị cũng có các chương trình khuyến khích sử dụng túi bảo vệ môi trường, sử dụng lá chuối để bọc rau củ…

Đáng chú ý, ở nhiều diễn đàn, những thông điệp tiêu dùng bền vững đã được các thành viên đưa ra và cùng khuyến khích nhau thực hiện cũng như lên án và chỉ đích danh một số đơn vị đang có những chương trình khiến cho lượng rác thải nilon ngày càng nhiều.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến cuối năm 2020, Hà Nội đã đạt khoảng 83% chỉ tiêu tiêu dùng xanh (so với chỉ tiêu thành phố đã giao) thông qua việc các siêu thị, trung tâm thương mại chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần.

Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm dùng một lần như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía, thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Ðồng thời, ngừng cung cấp ống hút nhựa, thay thế bằng sử dụng ống hút sản xuất từ nhiều nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo, tre nứa… tại các khu vực kinh doanh ăn uống.

COVID-19 là “cơ hội” đẩy mạnh tiêu dùng bền vững

VCCA cho rằng, tiêu dùng bền vững có thể là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này không hề khó thực hiện. Mặc dù COVID-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn cho DN, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là “cơ hội” để DN có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn. Như sử dụng túi vải nhiều ngăn và hộp đựng để đi chợ, đi siêu thị; Sử dụng ống hút thân thiện với môi trường (ống hút tre, cỏ, kim loại, giấy) thay cho ống hút nhựa…

Để có thể đẩy mạnh hơn xu hướng tiêu dùng bền vững ở Việt Nam, VCCA khuyến nghị các DN kinh doanh, sản xuất, phân phối có thể tham khảo những phương thức thực hiện như sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối; tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế “làm đầy” - khuyến khích người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm…

Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần hoặc những sản phẩm khó phân huỷ, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho cả người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi; không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên, vật liệu…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm