(PLO) - Từ năm 2013, cùng với việc được quy định cụ thể tại Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ngày Pháp luật đã trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Ít ai biết rằng, cả trên mặt báo và phía sau những con chữ, cả tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã vào cuộc một cách không mệt mỏi để góp phần hình thành nên “một con đường” mang tên “Ngày Pháp luật”.
Nhân rộng những đốm lửa sáng tạo
Cách đây gần 10 năm, sáng kiến về Ngày Pháp luật bắt đầu xuất hiện như một đốm lửa, mới và hấp dẫn trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Ông Nguyễn Tất Viễn, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp (giai đoạn 2003-2008) cho biết, một lần đọc và xử lý báo cáo của tỉnh Hà Tây (cũ) ông thấy trong Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tây về tăng cường lãnh đạo công tác PBGDPL đến năm 2010 và những năm tiếp theo đề cập đến “Ngày Pháp luật” nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân.
Từ nghị quyết của Đảng, “Ngày pháp luật” như là một hình thức độc đáo về tuyên truyền pháp luật được nêu trong Kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL đến năm 2010 và những năm tiếp theo (Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của UBND tỉnh Hà Tây). Đó là kết quả sáng tạo của công tác PBGDPL, sự nhanh nhạy trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tây lúc đó.
Bà Trương Thị Nga, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhớ lại: “Mô hình Ngày Pháp luật ban đầu cũng chỉ thực hiện manh nha, nhỏ lẻ ở một số ban ngành, huyện, thị của Hà Tây cũ. Với cách làm là mỗi tháng các đơn vị dành một ngày tập trung cán bộ của mình lại để nghe phổ biến về nội dung một văn bản pháp luật mới. Sau thời gian thử nghiệm và thấy rằng đây là một hình thức rất có hiệu quả, làm sinh động hơn các hình thức tuyên truyền pháp luật vốn được coi là sơ cứng, ngành Tư pháp quyết định nhân rộng”.
Cùng thời điểm đó, tháng 10/2008 một sáng kiến với tên gọi “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” ra đời ở Tiền Giang, được Sở Tư pháp Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh áp dụng tại nhiều đơn vị nhà nước trên toàn tỉnh. Theo đó, mỗi đơn vị thu xếp một buổi để tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật. Kết quả tốt đẹp hơn mong đợi, mô hình này được một số địa phương học tập, áp dụng.
Người đầu tiên trăn trở và tác động có tính chất quyết định tới việc nhân rộng sáng kiến Ngày Pháp luật đang manh nha, nhỏ lẻ tại các địa phương thành một ngọn đuốc trên phạm vi toàn quốc chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Tôi còn nhớ sau khi từ Quảng Bình trở về đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đi đâu ông cũng hỏi thăm xem địa phương có áp dụng mô hình “Ngày Pháp luật” trong công PBGDPL không? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng giới thiệu cách làm này tới các địa phương như là điểm mới, nhiều sáng tạo.
Tháng 2/2009, nhân một chuyến công tác đi các tỉnh miền Trung gồm Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng, có Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội tháp tùng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã gửi gắm tới Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam “sứ mệnh” tiếp lửa cho mô hình mới này.
Từ miền Trung trở về, nhận thấy đây là một cách làm hay, có thể trở thành một mô hình có thể áp dụng và lan tỏa hiệu quả công tác PBGDPL, Tổng Biên tập Đào Văn Hội đã lập tức cho mở chuyên mục “Ngày Pháp luật” trên Báo Pháp Luật Việt Nam , đăng tải cách làm của các địa phương, ý kiến của các chuyên gia, các nhà làm luật, đại diện các cơ quan, ban, ngành và ý kiến mọi tầng lớp nhân dân về Ngày Pháp luật. Chỉ trong vòng 3 tháng đã có hàng trăm bài báo, hàng trăm ý kiến bày tỏ sự hoan nghênh tới mô hình mới này, tạo nên một “hiện tượng” mới trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Không chỉ dừng lại ở những bài viết trên mặt báo, ngày 29/5/2009 Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Ngày Pháp luật” với sự tham dự của rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và Hà Nội.
Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm cùng có chung nhận định: Ngày Pháp luật là một mô hình PBGDPL hay, sáng tạo, nên được đánh giá nghiêm túc, khách quan trên nhiều phương diện. Đây cũng là Tọa đàm đầu tiên được tổ chức một cách quy mô, bàn sâu về hiệu quả cũng như các giải pháp nhằm nhân rộng và triển khai thành công Ngày Pháp luật.
Từ sự vào cuộc của Báo Pháp luật Việt Nam, nhiều cơ quan, báo chí truyền thông khác cũng bắt đầu chú ý tới “Ngày Pháp luật” và bắt đầu “vào cuộc”. Ngày Pháp luật trở thành một “hiện tượng”, một mô hình thú vị nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Cùng với Hà Nội, Tiền Giang, nhiều ngành, nhiều địa phương khác cũng bắt tay triển khai “Ngày Pháp luật” với những cách làm rất phong phú, không cứng nhắc là dành cả ngày hay một buổi, tập trung đông người, rầm rộ mà tùy theo điều kiện và công việc của mỗi ngành mà Ngày Pháp luật được tổ chức khác nhau. Nội dung ban đầu cũng chủ yếu phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức. Lâu dần, Ngày Pháp luật đã được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn hơn.
Rộng mở “Con đường” ngày Pháp luật
Năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã có hướng dẫn nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Bắt đầu có những ý kiến cho rằng Ngày Pháp luật cần được quy định trong luật, phải được luật hóa và phải trở thành một ngày để toàn dân bày tỏ tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Chính phủ trình Dự án Luật PBGDPL ra trước Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam trong Dự thảo Luật PBGDPL. Trong Ngày Pháp luật này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hoạt động thiết thực. Ngày Pháp luật cũng là cơ hội để các cơ quan, đoàn thể tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.
Ngay tại lần đầu tiên trình Quốc hội, Ngày Pháp luật đã được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao. Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 đã chính thức quy định ngày 9/11 hàng năm (ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
Ngày 8/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 9/11 được long trọng công bố để khẳng định sự kiện có tính chất bước ngoặt trong công tác PBGDPL. Năm 2013 là năm đầu tiên Ngày Pháp luật được tổ chức trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Không thể đếm nổi các bài viết trên Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan báo chí truyền thông hoan nghênh sự kiện này. Nhưng ít ai biết rằng, để có được những bài viết sâu sắc, chân thực về Ngày Pháp luật, mỗi năm gần tới tháng 11, Báo Pháp Luật Việt Nam đã phải huy động toàn bộ phóng viên trong Nam, ngoài Bắc, các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú, cộng tác viên... tỏa đi khắp nơi viết bài tuyên truyền về Ngày Pháp luật. Mỗi số báo đặc biệt Báo Pháp Luật Việt Nam phát hành tại buổi lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật là cả sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết và cả những vất vả của Tòa soạn dành cho sự kiện này.
Năm 2014, Ngày Pháp luật được gắn với triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, việc triển khai Ngày Pháp luật năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng đã được triển khai thành công từ năm trước, đồng thời cũng góp phần tích cực trong việc phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp, đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Cũng tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2014, Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” đã được phát động.
Để Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” thực sự thiết thực, huy động được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân, trong suốt năm 2015, nhiều cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Báo Pháp Luật Việt Nam đã mở chuyên mục tuyên truyền về Cuộc thi, đăng tải các thông tin cung cấp các tư liệu về Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Thật mừng là đến hôm nay, “Ngày Pháp luật” đã ăn sâu, bén rễ vững vàng vào đời sống xã hội, được pháp luật ghi nhận và được nhân dân thừa nhận. Nhìn lại một hành trình đồng hành cùng quá trình thai nghén, ra đời và đi vào cuộc sống của “Ngày Pháp luật”, những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam cũng không khỏi tự hào khi thấy rằng mình đã góp được một phần công sức, nhiệt huyết vào quá trình bồi đắp ngọn lửa nhiệt huyết trong việc tổ chức mô hình mới này.