Từ sàn giao dịch điện tử đến đề án cụm công nghiệp làng nghề
So với cách đây 3 năm, khi tưng bừng ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Làng nghề Gỗ Đồng Kỵ thì cảnh vật ở làng Đồng Kỵ không có nhiều đổi thay. Làng vẫn có những dãy nhà khang trang nhưng một chủ kinh doanh ven đường chia sẻ: “Hàng giờ bán chậm lắm…”. Cũng chẳng mấy ai nhắc đến Sàn giao dịch thương mại điện tử Làng nghề Gỗ Đồng Kỵ nữa..
Sự ra đời của Sàn giao dịch này cách đây 3 năm được kỳ vọng đánh dấu bước đi mới thời kỳ công nghệ của một làng nghề truyền thống. Khách hàng có thể tìm mua những sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ nhỏ cho tới những mặt hàng cao cấp; có cơ hội tìm hiểu, so sánh các sản phẩm cùng loại trên cùng một Website của các hộ kinh doanh cá thể khác nhau để có lựa chọn tốt nhất.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Hội gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ bắt tay xây dựng đề án Cụm công nghiệp làng nghề khởi nghiệp gỗ Đồng Kỵ. Với tổng diện tích khoảng 50 hecta, cùng số vốn đầu tư ban đầu 1000 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ đem lại “luồng gió mới” cho làng nghề với việc xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Nhưng đó vẫn chỉ là giấc mơ! Hiện sản phẩm của làng nghề vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa (70%) và xuất sang Trung Quốc (30%)…
Chủ tịch Hội gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương (người có rất nhiều tâm huyết, trăn trở với làng nghề và cũng là người có ý tưởng thành lập Sàn giao dịch thương mại điện tử Làng nghề Gỗ Đồng Kỵ) trầm ngâm: “Cũng có khách hàng lên sàn giao dịch, cũng có khách nước ngoài đến làng nghề nhưng rồi lại đi. Với đặc thù sản phẩm làng nghề được làm rải rác trong các hộ dân nên khó có thể đáp ứng đơn hàng xuất khẩu…”.
Nâng cấp hộ kinh doanh- Vẫn đang cân nhắc!
Trong khi dự án Cụm công nghiệp làng nghề lúc nóng, lúc nguội thì làng nghề vẫn hoạt động như bấy lâu vẫn thế. Tuy nhiên , theo chia sẻ của ông Vũ Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Hội gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ, số lượng DN làng nghề đã giảm 30%, từ khoảng 300 DN năm 2016 đến nay chỉ còn khoảng hơn 200 DN. Hiện cả làng có khoảng 3.000 hộ kinh doanh theo nghề gỗ trong tổng số 3.700 hộ.
Khó khăn khiến nhiều DN thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, có DN chuyển sang hoạt động lĩnh vực khác.
Chia sẻ về câu chuyện HKD chuyển lên DN, ông Nam cho biết gia đình ông không có ý định lên DN vì “quy mô nhỏ, gia đình tự làm, cũng không thuê người”. Việc nộp thuế, ông Nam cho biết, “gia đình tự giác nộp theo từng đơn hàng. Nếu khách hàng cần hóa đơn thì thông qua các DN trong làng xuất hóa đơn cho khách hàng”.
Cũng như nhiều HKD khác, câu chuyện thuế má, sổ sách kế toán là điều mà không ít HKD làng nghề này lăn tăn. “Vấn đề phải có đơn hàng lớn và ổn định thì chúng tôi mới nghĩ làm ăn lớn, còn không thì cứ thế này đã…!”- một HKD chia sẻ.
Theo giới thiệu của Chủ tịch Hội gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương, chúng tôi tìm đến cơ sở đồ gỗ Mỹ nghệ Hoàng Vân và choáng ngợp bởi gian trưng bày rộng thênh thang chật cứng sản phẩm bày bán trong khi ông chủ vừa quán xuyến cửa hàng vừa theo dõi cùng một lúc các xưởng sản xuất và kho hàng qua camera. Là HKD nhưng vào thời điểm thấp điểm như hiện nay, HKD này có tới 40- 50 nhân công làm việc tại xưởng, chưa kể một số chi tiết công nhân mang về nhà làm…
Tỏ ra ngạc nhiên trước lời giới thiệu của Chủ tịch Hội gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ về việc HKD của mình đã chuyển lên DN, ông Chử Văn Vân, chủ cơ sở Mỹ nghệ Hoàng Vân cho biết, “tôi cũng có ý định cùng mấy anh em thành lập công ty cổ phần nhưng là một DN mới kinh doanh lĩnh vực khác, song cũng chỉ mới có ý định thôi”.
Khi được hỏi về việc chuyển HKD lên DN, ông Vân cho biết mình cũng đã tính đến nhưng đang cân nhắc thời điểm, có thể sau này khi tỉnh phê duyệt dự án Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ.
Liên quan đến Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ hơn 1 năm nay, dưới góc độ DN, ông Vũ Quốc Vương cho biết, bản thân DN của anh cũng như các DN gỗ Đồng Kỵ chưa bao giờ được nhận hỗ trợ gì từ việc vay vốn ngân hàng, đào tạo nghề, mặt bằng… Mong muốn nhất lúc này là Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ được phê duyệt và đi vào hoạt động. Khỉ có sản xuất tập trung thì làng nghề mới phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, các HKD mới thấy được sự cần thiết phải chuyển lên DN…”.