Lãng phí cũng phải xử lý hình sự?

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa tròn 7 tuổi, song theo cách nói của một ĐBQH, đó chưa thực sự là "thanh bảo kiếm" để phòng, ngừa, răn đe và giáo dục chung mà còn mang tính khẩu hiệu, hô hào, khó thực hiện trong thực tiễn. Dó đó, Dự luật cần phải bổ sung những chế tài mạnh, ví như cần phải xử lý hình sự với hành vi lãng phí, để luật có thể phát huy tác dụng.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa tròn 7 tuổi, song theo cách nói của một ĐBQH, đó chưa thực sự là "thanh bảo kiếm" để phòng, ngừa, răn đe và giáo dục chung mà còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, còn mang tính khẩu hiệu, hô hào, khó thực hiện trong thực tiễn. Dó đó, Dự luật cần phải bổ sung những chế tài mạnh, ví như cần phải xử lý hình sự với hành vi lãng phí, để luật có thể phát huy tác dụng.

ĐBQH Thành phố Cần Thơ Trần Hồng Thắm phát biểu.

Nhận diện lãng phí

Trong phần phát biểu của mình, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) đã thể hiện quan điểm được nhiều đại biểu và cử tri cả nước đồng tình. Ông cho rằng tình trạng lãng phí đang ở mức báo động.

Có những hội nghị mà Chính phủ triệu tập mỗi tỉnh khoảng trên, dưới 5 chức danh tập trung họp 1 ngày, thậm chí họp 1 buổi, trong khi mạng lưới trực tuyến đã có. "Chỉ cần tiết kiệm chi phí cho việc triệu tập một cuộc họp như thế cũng xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, cho đối tượng chính sách, đây là một lãng phí lớn ở nhiều cấp, không chỉ ở trung ương mà các tỉnh cũng vậy", ông nói.

Còn theo ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng), ngoài việc lãng phí tiền bạc, tài nguyên, việc lãng phí thời gian cũng không kém nghiêm trọng. "Ví dụ, trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công 3 ca để rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả nhưng trong quy chế đấu thầu không xem là điều kiện quan trọng. Do quá chú trọng đến yếu tố giá cả nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí", ông Nam nêu.

ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) đồng quan điểm này. Ông cho rằng: “Lãng phí về mặt thời gian là thứ lãng phí khó định lượng được nhưng hậu quả thì rất lớn, vì để thời gian trôi qua không ai có thể lấy lại được. Trong những năm qua việc lãng phí về thời gian, kinh phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các cấp, các ngành là rất lớn nhưng chậm khắc phục”.

Với ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) tình trạng lãng phí hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng lao động và thời gian lao động, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo, đặc biệt là trong tiêu dùng, trong ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, mừng thọ...

Cần xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí

Từ những nhận định về vấn đề lãng phí, các ĐBQH cũng đã đưa ra những biện pháp để chống lãng phí.

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang), ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), cùng có quan điểm: Trong dự luật lặp đi lặp lại ở nhiều khoản, ở nhiều điều, tổ chức cá nhân không thực hành tiết kiệm, để xảy ra lãng phí phải giải trình trước công luận, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, quy định này quá chung chung, mang tính khẩu hiệu, không có chế tài cụ thể.

“Nếu tổ chức, cá nhân không giải trình thì lãng phí, không tiết kiệm phải xử lý ra sao, cơ quan nào kết luận đó là lãng phí không tiết kiệm?. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu gom lại cho khoa học và có quy định cụ thể thì mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi trong cuộc sống”, ĐB tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi.

Ông cũng đề nghị cần bổ sung những hành vi vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào Bộ luật hình sự.

Đại biểu tỉnh Kiên Giang nhận định: “Tình trạng lãng phí hiện nay đã trở thành vấn nạn, là bạn đồng hành với tiêu cực, tham nhũng, gây nhức nhối trong đời sống xã hội, chẳng hạn qua một tờ báo, chúng tôi theo dõi thấy có 865.000 tỷ đồng chi cho trụ sở làm việc, nhà công vụ và ô tô công, chi tiêu công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2003 là 978.000 tỷ đồng. Vốn quản lý của  3.254 doanh nghiệp Nhà nước bằng 5 triệu tỷ đồng. Nếu cộng lại ba khoản vừa nêu, tiết kiệm chỉ 5% trên giá trị nguồn việc này thì sẽ tiết kiệm được tương đương với khoảng 350.000 tỷ đồng.

Số tiền này đem giải quyết cho an sinh xã hội như người có công với cách mạng, người lao động nghèo, cơ nhỡ, nếu xây mỗi đối tượng 1 căn nhà trị giá 100 triệu đồng thì ta có khoảng 35.000 căn nhà. Qua thí dụ trên cho thấy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay là quốc sách hàng đầu”.

ĐB Trần Hồng Thắm, TP Cần Thơ, đưa ra kiến nghị cần bổ sung chế tài cụ thể, đủ sức răn đe đối với người đứng đầu là cấp trên trực tiếp đã không chỉ đạo, kiểm tra, xem xét và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của cấp dưới. Vì thực tế cho thấy, chỉ có người đứng đầu trong các lĩnh vực, vị trí quan trọng mới có điều kiện gây thiệt hại, lãng phí lớn ở các nguồn lực.

Nhấn mạnh vai trò của, trách nhiệm của người đứng đầu, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) dẫn chiếu đến hàng ngàn tỷ của Nhà nước, của nhân dân đã được đầu tư nhưng nay bỏ dở dang, tiền bạc của Nhà nước đang hao hụt từng phút, từng giây, hay bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị "ma"…

“Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra sự lãng phí. Thực chất ý chí của cá nhân ai đó chính là người quyết định nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can vì pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang còn quy định rất chung chung”, bà Xuân nói.

Do đó, bà Xuân đề nghị việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định người đứng đầu quyết định gây ra lãng phí do các quyết định đầu tư, sử dụng tài sản quốc gia phải thực hiện theo nguyên tắc nào, trình tự thủ tục ra sao. Đặc biệt trách nhiệm cá nhân của họ khi để xảy ra lãng phí, thất thoát thì phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và thậm chí trách nhiệm hình sự.

Nhấn mạnh vai trò của báo chí

Đề cập đến vai trò của báo chí trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu: Chúng ta đều biết rằng báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống lãng phí, nhiều vụ lãng phí tiêu cực do báo chí nêu ra. Tuy nhiên, luật hiện hành cũng không có những quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí...

Cũng khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc này, ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nhận định: Việc giám sát của các cơ quan báo chí hiệu quả khá tốt. Báo chí đăng một số ảnh, bài viết về xe công đi lễ hội, sau đó xe công đi lễ hội giảm cơ bản. Báo chí phản ánh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng được cảnh tỉnh cũng làm giảm đáng kể tình trạng này.

Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được nhưng cơ quan báo chí lại phát hiện được. Ví dụ gần đây đó là sự gian dối trong việc nạo vét sông ở khu vực TP HCM...

Trong khi đó, cũng một thực tế mà đại biểu này đã đưa ra để so sánh cho thấy việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn: “Ví dụ năm 2013 tại kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có cuộc giám sát tối cao việc thực hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 với số vốn vài trăm ngàn tỷ đồng.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và làm việc với Chính phủ, với 10 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố. Xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, Báo cáo giám sát của 39 Đoàn ĐBQH, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác.

Nhưng qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm ngàn tỷ đó tiết kiệm được bao nhiêu tiền, lãng phí bao nhiêu, nếu có lãng phí thì lãng phí ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý vấn đề lãng phí như thế nào?. Kết quả giám sát tối cao của Ủy ban thường vụ Quốc hội như vậy, kết quả giám sát của công dân, tổ chức khác thì quả thật chúng tôi rất băn khoăn”.

Từ phân tích này, đại biểu tỉnh Hà Nam đề nghị bổ sung thêm một mục, đó là mục 5 trong Điều 7, các cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Liên quan đến vai trò của báo chí, ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Thái Nguyên, đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm thông tin của cơ quan báo chí đối với cơ quan, tổ chức mà báo có tin bài về sự vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hoặc người nào sử dụng tin, bài trên báo chí để phản ánh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có thông tin thích hợp đối với cơ quan, tổ chức mà báo chí phản ánh.

Nhật Thanh

Đọc thêm