Lạng Sơn chuyển đổi số với quyết tâm tạo đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Lạng Sơn đang nỗ lực thực hiện tốt chuyển đổi số.
Lạng Sơn đang nỗ lực thực hiện tốt chuyển đổi số.

Các hệ thống thông tin chuyên ngành, phần mềm ứng dụng được xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ tại cơ quan Đảng; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc, 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định, 100% đơn vị cấp xã có hệ thống thông tin truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.

Trong đó, kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử trên 50%, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 100% các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa được cung cấp dịch vụ số trên một nền tảng cửa khẩu số...

Phấn đấu đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật nhà nước); phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tiếp tục duy trì, phát triển cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn thành cửa khẩu số thông minh.

Ông Dương Xuân Huyên – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn

Ông Dương Xuân Huyên – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn

Để có thêm những góc nhìn về quyết tâm chuyển đổi số tại Lạng Sơn, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Dương Xuân Huyên – Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.

Thưa ông Dương Xuân Huyên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của tỉnh Lạng Sơn trong 2 năm qua. Từ những khó khăn này, ông đánh giá thế nào về cơ hội chuyển đổi số của Lạng Sơn?

Trong 2 năm qua tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, gây xáo trộn tới đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, nhu cầu chuyển đổi số lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ sở để biến những khó khăn thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phấn đấu hết năm 2021 hoàn thành chỉ tiêu 50% hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thay đổi thói quen mua và bán nông sản, hàng hóa theo cách truyền thống chuyển sang thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ nông sản, hàng hóa ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số (trên sàn thương mại điện tử).

Theo truyền thống trước đây việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp, trao đổi, nhiều việc cần phải giải quyết nhanh, kịp thời sẽ thực hiện theo hình thức trực tiếp nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để bảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành không bị gián đoạn thì hầu hết các cuộc họp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều chuyển sang hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số.

Đối với các trường học trực tuyến thì đã có Nền công nghệ số để học trực tuyến, đây giáo viên soạn bài, chấm điểm trên hệ thống sổ sách thì đến nay 100% các trường học (675 trường) trên điện bàn tỉnh đã ứng dụng nền tảng công nghệ số trong công tác quản lý dạy và học, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng sổ sách bằng giấy,…

Hiện nay, chuyển đổi số tại Lạng Sơn đang được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Ông có thể trao đổi cụ thể về công tác chuyển đổi số tại Lạng Sơn?

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII. Tỉnh Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời cần trang bị kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý và điều hành; tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

Những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế số là phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng công nghệ số để hỗ trợ hộ nông dân thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ nông sản theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ số trong mua và bán sản phẩm nông sản dựa trên nền tảng công nghệ số.

Ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với những giải pháp tổng thể và toàn diện để gắn kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số đạt 50% và tài khoản thanh toán điện tử. Hy vọng rằng tỉnh Lạng Sơn sẽ là một trong những tỉnh đi đầu cả nước thành công trong công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Lạng Sơn với hệ thống cửa khẩu nhiều, đa dạng và có quy mô. Vậy, việc triển khai chuyển đổi số tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế như thế nào, thưa ông?

Tỉnh Lạng Sơn có 231 km đường biên giới, trên địa bàn 21 xã, thị trấn trên địa bàn 5 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 5 chương trình công tác trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đó là: Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cửa tỉnh; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

UBND tỉnh đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai chuyển đổi số toàn diện và tổng thể hoạt động tại cửa khẩu, thí điểm chuyển đổi số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Dự kiến Nền tảng cửa khẩu số sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10/2021, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động cửa khẩu, tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch, tránh ùn tắc hàng hóa và tiêu cực trong công tác quản lý, phục vụ doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tốt hơn.

Không chỉ chuyển đổi số ở công tác quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn đang để lại nhiều dấu ấn, ông có thể cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

Trong lĩnh vực kinh tế số nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn chú trọng phát triển kinh tế số, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chăn nuôi, trồng chọt, tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa dựa trên nền tảng công nghệ số, hỗ trợ bà con nông dân bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Từ 20/7/2021 UBND tỉnh tổ chức Lễ ra quân phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại đạt được những kết quả quan trọng, phát triển 67.055 cửa hàng số cho hộ gia đình (tăng 67 lần so với thời điểm phát động có 1.000 cửa hàng) và 56.975 tài khoản thanh toán điện tử (tăng 190 lần so với thời điểm phát động có 301 tài khoản); doanh thu tăng 174 lần so với thời điểm phát động; thành lập 2.312 Tổ công nghệ công đồng với 6.936 thành viên.

UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến hết năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu 50% hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, như vậy so với chỉ tiêu chung của toàn quốc thì tỉnh Lạng Sơn hoàn thành sớm hơn 4 năm. Trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Đọc thêm