Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đoạn đường liên huyện (đường 28) từ thị trấn Cao Lộc đến xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, mặt đường ghồ ghề, lún sâu, gây mất an toàn. Nguyên nhân chính là do phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng hoạt động thường xuyên, nhiều xe cơi nới thùng, có dấu hiệu chở quá tải diễn ra thường xuyên, liên tục.
Theo bà N, một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết: đường có nhiều ổ trâu, ổ bò nhưng khi sửa chữa thì chỉ san lấp qua loa, chỉ đá và cát đổ lên thôi. Một năm cũng vài ba lần đổ đá và cho công nhân san ra, nhưng sau một trận mưa thì lại như cũ, lại xuất hiện khe, rạch.
"Người dân cũng nhiều lần đề xuất được đầu tư, làm như một số tuyến đường khác; cống rãnh cũng phải thoát được nước, nước không lên mặt đường thì mới bảo vệ được lâu dài; những xe quá tải nặng quá, di chuyển nhiều dễ phá vỡ đường cũng nên có lối khác đi để đảm bảo an toàn" - bà N cho biết thêm.
Người dân huyện Cao Lộc phản ánh về tình trạng đường xuống cấp |
Không chỉ Huyện lộ 28, mà trên địa bàn xã Hợp Thành, nhiều đoạn của Huyện lộ 24 cũng đồng cảnh ngộ. Người dân đi lại rất khó khăn trong khi các xe chở đất, đá san lấp chạy không kể ngày đêm.
Tỉnh lộ 226, nối huyện Bình Gia và huyện Tràng Định, nhiều đoạn của Tỉnh lộ 233 qua địa bàn huyện Văn Quan cũng chịu cảnh ngập nước ngày mưa, bụi ngày nắng, đắp đất lên mặt đường để hạn chế ổ trâu, ổ bò. Có những vị trí mặt đường của Tỉnh lộ 233 có vệt bánh xe làm lõm gần 20cm.
Tỉnh lộ 233 qua địa bàn huyện Văn Quan. |
Một người dân sinh sống bên Tỉnh lộ 233 qua địa bàn huyện Văn Quan cho biết, các xe chở nặng thường chạy vào buổi tối, còn làm đứt dây điện qua nhà dân.
Trước phản ánh của người dân và thực trạng các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ nêu trên, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cần sớm làm rõ nguyên nhân, có phương án sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân và hoạt động giao thông trên các tuyến này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.