Lãnh đạo Hà Nội đối thoại 'gỡ khó' cho doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 5/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP.
Các đại biểu tại Hội nghị.
Các đại biểu tại Hội nghị.

Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tính đến nay, TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha; có 102 CCN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha. Các khu, CCN có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 KCN là KCN Quang Minh 2 và KCN Sạch Sóc Sơn; hoàn tất thủ tục thành lập mới KCN Đông Anh; đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 CCN được thành lập giai đoạn 2018-2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 CCN trong năm 2024.

Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền TP và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; đồng thời hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP; năm 2024, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai 6 hội nghị gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, Hội nghị ngày 5/4 sẽ là cơ hội để chính quyền TP và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, CCN; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, CCN; đặc biệt là giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, CCN trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền TP mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, chính quyền TP cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”.

Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, CCN trên địa bàn TP. Đại diện các cơ quan chức năng của TP đã trực tiếp đối thoại, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, CCN liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến phát triển sản xuất công nghiệp tại các khu, CCN.

Thông tin tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc hình thành các CCN đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào CCN, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.

Việc đầu tư các khu, CCN đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại các khu, CCN góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội với cả nước và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và TP, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các KCN… đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025.

Qua đó, tháo gỡ các điểm nghẽn, những tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai..., tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, CCN theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp Thủ đô Hà Nội có nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững; là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp của Đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội và cả nước, việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, CCN trên địa bàn TP là hướng đi đúng để TP Hà Nội đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước (FDI) thu hút đầu tư theo hướng sản xuất sạch, không phát thải trong hài hòa với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đọc thêm