Dự thảo Luật Tiếp công dân được trình Quốc hội sáng qua quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân 1 ngày hoặc 1 buổi/tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại Hội trường. |
Tiếp 1 ngày/tháng vừa thừa, vừa thiếu
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, dự thảo Luật đã giành một chương quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này với nhận định, “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có vai trò rất quan trong trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh”.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Các đơn vị, phòng, ban cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức này cũng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân theo phân công, điều hành của người đứng đầu.
“Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ai tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân như thế nào”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý khẳng định.
Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật còn băn khoăn về việc quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điều 10 của dự thảo Luật. Mặc dù dự thảo Luật lần này đã chia ra nhiều mức quy định về thời gian định kỳ trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, song quy định này chưa xác định rõ mục đích tiếp công dân của người đứng đầu là “để trực tiếp giải quyết hay chỉ để nắm tình hình thực tế hoặc chỉ đơn thuần tiếp nhận, giải tỏa bức xúc của công dân như các hoạt động tiếp công dân thường xuyên”.
Trên thực tế, số lượng người dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các cơ quan, tổ chức có sự khác biệt khá lớn (giữa cấp trung ương và cấp địa phương, giữa các địa bàn hoặc giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau). Do đó, Ủy ban Pháp luật nhận xét, “nếu quy định cứng việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải dành một ngày hay một buổi trong một tháng để trực tiếp tiếp công dân là không phù hợp với thực tế, thiếu tính linh hoạt và cũng không thực sự hiệu quả”.
Bởi với các cơ quan thường xuyên tiếp nhận nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì thời gian tiếp trực tiếp một ngày/một tháng là quá ít ỏi, trong khi ở một số cơ quan, tổ chức khác lại có khi hàng vài tháng không có người dân nào tìm đến.
Tăng cường phối hợp giải quyết những vấn đề phức tạp
Nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung là vấn đề đang diễn ra hết sức phức tạp nên dự thảo Luật có các quy định cụ thể để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp và xử lý trường hợp này.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lưu ý, ngoài việc xử lý các trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung, các Trụ sở, nơi tiếp công dân hiện còn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý đối với các trường hợp tập trung đông người khác như có quá nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một lúc (về các việc khác nhau) hoặc chỉ có một hoặc một số người khiếu nại nhưng lại có nhiều người khác không có quyền khiếu nại cùng đi theo hợp thành đoàn đông người.
Vì vậy, dự thảo Luật cũng cần có các quy định để xử lý đối với cả các trường hợp này, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm phối hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Hôm qua, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. ĐB Hà Minh Huệ (tỉnh Bình Thuận) cho rằng: “Khoản 2, Điều 13 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thu nhập từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo báo in, được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm. Đây là một sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động báo chí, cụ thể là báo in nhằm tháo gỡ khó khăn chung hiện nay. Nhưng trong tờ trình, Chính phủ lại không quy định áp dụng thuế ưu đãi đối với các loại hình báo chí khác: báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập ngân sách. Mặc dù giảm thuế suất cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập ngân sách. Nếu có giảm thu về kinh tế nhưng lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều. Ưu đãi cho báo in là một bước tiến thừa nhận báo chí là lĩnh vực hoạt động văn hóa như Luật thuế TNDN trước kia đã đề cập nhưng không áp dụng với báo chí. Nên đề nghị xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác và để thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2013 như đề xuất áp dụng với một số hình thức trường hợp doanh nghiệp ưu tiên khác, thay vì áp dụng chung từ ngày 1/1/2014”. |
H.Giang