Theo AFP, hình ảnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ thù địch kể từ sau Chiến tranh lạnh ngồi giữa những người đứng đầu các nước khác tại Hội nghị Thượng đỉnh của 35 nước châu Mỹ sẽ là điểm nhấn sáng giá của Hội nghị diễn ra tại Panama trong 2 ngày 10 và 11/4. Cuộc gặp này sẽ đánh một dấu mốc quan trọng vì từ trước đến nay chưa từng có nhà lãnh đạo nào của Cuba dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ.
Cuộc gặp nói trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Cuba vẫn chưa thể mở lại được các đại sứ quán ở nước đối tác do vẫn chưa dàn xếp được các điểm khác biệt sau các cuộc đàm phán bắt đầu từ hồi tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, điểm vướng mắc lớn là sự hiện diện của Cuba trong danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố của Mỹ cũng vẫn chưa được tháo gỡ.
Mặc dù vậy nhưng Nhà Trắng trong tuần này cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang trong những giai đoạn cuối cùng của việc quyết định có khuyến nghị đưa Havana khỏi danh sách hay không và rằng Quốc hội Mỹ sau đó sẽ có 45 ngày để đưa ra quyết định đối với khuyến nghị. “Chúng tôi đang cố gắng để sớm hoàn thành công việc này” – một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong một tín hiệu cải thiện quan hệ khác, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng John Kerry có thể sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez bên lề hội nghị sắp diễn ra.
Các cuộc gặp giữa giới lãnh đạo Mỹ và Cuba diễn ra trong bối cảnh kết quả một cuộc thăm dò 1.200 người trưởng thành tại Cuba do 2 tờ báo Univision News và The Washington Post bảo trợ cho thấy có đến 80% người Cuba được hỏi tỏ thái độ đánh giá cao quan điểm của ông Obama và 97% người tham gia thăm dò cho rằng việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sẽ tốt cho Cuba. Cũng theo kết quả thăm dò, chỉ 37% trong số này nghĩ rằng việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ thay đổi hệ thống chính trị của Cuba.
Còn tại Mỹ, kết quả một cuộc thăm dò được công bố trước đó 1 tuần cho thấy hiện có 51% người Mỹ khi được hỏi ủng hộ việc nước này củng cố quan hệ với Cuba, tăng hơn so với con số 44% của tháng 12/2014.