Theo AFP, sau khi cuộc gặp đầu tiên ở Havana hồi tháng 1 vừa qua kết thúc với ít đột phá rõ ràng, các nhóm đàm phán của hai nước lần này sẽ gặp mặt tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhóm đàm phán của Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Tây bán cầu Roberta Jacobson đứng đầu. Bà sẽ cùng thương thảo với nhà đàm phán người Cuba Josefina Vidal.
Cuộc gặp lần này được kỳ vọng sẽ đưa đến kết quả là cả hai nước trong vài tháng tới sẽ đồng ý mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của nước còn lại và bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Hiện Mỹ và Cuba vẫn đang duy trì các Văn phòng lợi ích tại Havana và Washington.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/4 tới. Cuba cũng sẽ lần đầu tiên cử đại diện tham dự sự kiện này.
Các nhà quan sát hiện cho rằng cả hai nước đều mong muốn đạt được việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao hoàn toàn trong khoảng thời gian này, sau nhiều năm liền căng thẳng bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sau hơn 5 thập kỷ thù địch và nghi kỵ, giữa Mỹ và Cuba vẫn đang tồn tại nhiều trở ngại cho việc đổi mới quan hệ ngoại giao – bước đầu tiên trong tiến trình hướng tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Trước các cuộc đàm phán vòng 2, cả hai bên đều đã cho thấy rõ những khác biệt của mình.
Trong đó, giới chức Cuba yêu cầu Mỹ bỏ nước này khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố như bước đầu tiên để hướng tới đồng thuận. Việc bị đưa vào danh sách này từ năm 1982 cùng một số trừng phạt khác đã cản trở Cuba tiếp cận với hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Gustavo Machin cho rằng việc Havana vẫn ở trong danh sách các nước tài trợ khủng bố trong khi lại hưởng quan hệ ngoại giao với Washington là một sự đối nghịch.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, Washington đang xem xét yêu cầu của Cuba và sẽ thực hiện việc này sớm nhất có thể. Song, quan chức này cho rằng quá trình xem xét danh sách khủng bố không liên quan tới việc khôi phục quan hệ ngoại giao.
“Việc khôi phục quan hệ ngoại giao sẽ rất dễ dàng nếu chúng ta không gắn hai việc này với nhau” – quan chức này nói thêm.
Thay vào đó, Mỹ cho rằng đại sứ quán và các nhà ngoại giao của nước này cần phải được trao quyền đầy đủ theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao toàn cầu./.