Lãnh đạo TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nói gì về việc bỏ tiền sửa lỗi của nhà thầu?

(PLO) - Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, việc VEC bỏ tiền khắc phục bù lún do lỗi của nhà thầu thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã làm thất thoát tiền của công ty nhưng Chủ tịch HĐTV của doanh nghiệp này lại khẳng định, đây là khoản tiền quá nhỏ, không ảnh hưởng đến quyết toán.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, việc VEC bỏ tiền khắc phục bù lún do lỗi của nhà thầu thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã làm thất thoát tiền của công ty nhưng Chủ tịch HĐTV của doanh nghiệp này lại khẳng định, đây là khoản tiền quá nhỏ, không đáng nói.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc VEC gửi Bộ trưởng Bộ GTVT thì trong quá trình rà soát để lập hồ sơ quyết toán một số dự án đường cao tốc mà đơn vị này làm chủ đầu tư đã phát sinh một số tranh luận nội bộ dẫn đến việc không thống nhất phương án giải quyết trong chính lãnh đạo Công ty. Do vậy, Tổng giám đốc VEC đã báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo từ phía lãnh đạo Bộ GTVT.

Cụ thể, trong giai đoạn 2012 -2014, VEC làm chủ đầu tư một số dự án đường cao tốc trọng điểm quốc gia, trong đó có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến đường quan trọng này do một số nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, trong đó phải kể đến nhà thầu Posco E&C, nhà thầu Doosan và nhà thầu Keangnam đến từ Hàn Quốc.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã đi vào sử dụng, khai thác nhiều năm nhưng công tác quyết toán xây dựng chưa hoàn thành. Hiện nay, còn nhiều tranh cãi xảy ra giữa nhà thầu và chủ đầu tư (VEC). Thậm chí, một trong số các nhà thầu đã khởi kiện VEC ra trung tâm trọng tài quốc tế ICC để đòi bồi thường hợp đồng.

Về phía VEC, Tổng giám đốc công ty cho rằng, chính VEC đã đưa ra nhiều quyết định có lợi cho nhà thầu và gây bất lợi cho mình, trong đó có lệnh thay đổi đào đá, đổ thải của gói thầu A6 với giá trị tăng thêm hơn 103 tỷ đồng và số tiền này đã giải ngân cho nhà thầu. Đến nay muốn thu hồi số tiền này cũng khó vì tiền thì đã đưa cho nhà thầu mà bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu thì đã hết hạn nên khó có thể đòi được tiền nếu nhà thầu không trả lại.

Đối với gói thầu do nhà thầu Keangnam thực hiện (gói thầu A4) bị lún trong thời gian bảo hành. Theo quy định thì nhà thầu phải tự khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu nhà thầu tự bỏ tiền thực hiện việc khắc phục khiếm khuyết này, VEC đã chi khoảng 4,9 tỷ đồng thanh toán cho nhà thầu thực hiện việc bù lún, điều này dẫn đến thiệt hại tài chính cho VEC.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn chạy qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn chạy qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc

Đặc biệt, đối với gói thầu A2 và A3 do nhà thầu Posco E&C thực hiện, VEC đã ưu ái cho nhà thầu này với mức tạm thanh toán hạng mục giếng cát xử lý đất nền yếu với mức tạm thanh toán gấp 3 lần giá được lập theo định mức. Số tiền đã giải ngân là hơn 60 tỷ đồng, trong khi định mức của hạng mục này chỉ khoảng 20 tỷ, dẫn đến nguy cơ thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng đối với VEC; thanh toán tiền bù lún cho nhà thầu hơn 16 tỷ đồng trong khi trách nhiệm bảo hành công trình thuộc về nhà thầu và nhà thầu phải tự bỏ tiền để thực hiện việc bù lún.

Theo Tổng giám đốc VEC, đây là những tồn tại mà trong nội bộ lãnh đạo VEC đã có quan điểm khác nhau dẫn đến không thể thống nhất giải quyết, phải xin ý kiến của lãnh đạo Bộ.

Quả đúng là quan điểm của lãnh đạo VEC về vấn đề này rất khác nhau khi ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV của VEC cho rằng, quan điểm của Tổng giám đốc là không đầy đủ và toàn diện.

Theo ông Mai Tuấn Anh, chưa đủ cơ sở khẳng định VEC bị thiệt hại về tài chính khi bỏ tiền khắc phục lỗi của nhà thầu vì các gói thầu chưa thực hiện xong quyết toán. Hiện nay, VEC còn nắm giữ hàng trăm tỷ đồng của các nhà thầu do chưa thanh toán. Trong đó, nhà thầu Keangnam còn khoảng 53 tỷ; nhà thầu Doosan còn hơn 196 tỷ và nhà thầu Posco E&C còn hơn 137 tỷ đồng chưa được thanh toán.

Trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch HĐTV của VEC khẳng định, các tồn tại được nếu trong báo cáo của Tổng giám đốc đã được HĐTV Tổng công ty bàn bạc và quyết định, các tồn tại trong các gói thầu A2, A3, A4 và A6 thuộc thẩm quyền của Tổng giám đốc xử lý. Theo đó, Tổng giám đốc VEC phải có trách nhiệm rà soát và làm việc với nhà thầu, tư vấn giám sát để giải quyết và chỉ báo cáo HĐTV nếu vượt thẩm quyền.

Ông Mai Tuấn Anh cũng cho rằng, số tiền vài chục tỷ đồng mà VEC bỏ ra khắc phục lỗi của nhà thầu chỉ là một tồn tại nhỏ trong một công trình trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Trong văn bản của HĐTV gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, một nội dung cũng đáng được lưu tâm là HĐTV của VEC đã có nghị quyết về việc khắc phục các tồn tại trong dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được chỉ ra trong báo cáo của Tổng giám đốc. Trong đó nêu rõ những khiếm khuyết phát sinh do khách quan, không phải do lỗi của nhà thầu thì chủ đầu tư sẽ bỏ tiền ra khắc phục. Vậy các khiếm khuyết mà VEC đã bỏ tiền ra khắc phục khi chưa xác định được là do nguyên nhân khách quan hay do lỗi của nhà thầu còn chưa rõ mà VEC đã thanh toán tiền sửa chữa cho nhà thầu có khiến rõ ràng đặt VEC vào tình huống mất tiền tỷ cho dù nhiều hạng mục của dự án chưa được quyết toán.

Tình huống mà chính nội bộ lãnh đạo VEC chưa thể thống nhất quan điểm cho thấy những nguy cơ gây thiệt hại về tài chính cho VEC là hiện hữu và đặc biệt, những bất đồng trong công tác lãnh đạo, điều hành của bộ máy lãnh đạo VEC có thể bắt đầu từ đây mà lan rộng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm