Lào Cai thiếu gần 900 giáo viên trong năm học 2020-2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lào Cai, hiện đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh còn thiếu, đặc biệt là giáo viên 2 môn Tin học và Ngoại ngữ. Trong khi đó, nguồn tuyển giáo viên tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho thấy, theo định mức năm 2020-2021, toàn tỉnh thiếu 842 giáo viên. Trong đó, cấp học mầm non thiếu 663 giáo viên; Tiểu học thiếu 62 giáo viên; THCS thiếu 117 giáo viên. Trong khi đó, Bộ Nội vụ thông báo chủ trương tiếp tục cắt giảm biên chế đối với Lào Cai.

Từ năm học 2022-2023, toàn bộ học sinh từ lớp 3 trở lên sẽ học Tin học, Ngoại ngữ, trong khi số lượng giáo viên hai bộ môn này của tỉnh Lào Cai còn thiếu, nguồn tuyển cũng gặp nhiều khó khăn.

Tại Lào Cai, tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất vẫn là bậc mầm non

Tại Lào Cai, tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất vẫn là bậc mầm non

Để giải quyết tình trạng này, từ đầu năm học, đa số các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều đã chủ động xây dựng xây dựng phương án bố trí giáo viên một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế như: Tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng số tiết dạy cho giáo viên; để giáo viên dạy kiêm nhiệm, thậm chí là cả các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường đảm nhiệm phụ trách giảng dạy các môn học...

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Thêm vào đó, cơ sở vật chất tại các trường học thuộc khu vực vùng cao còn nhiều thiếu thốn, trong đó phổ biến nhất là thiếu phòng học và phòng học bộ môn, nhà công vụ giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh; diện tích đất của nhiều trường còn chật hẹp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tại địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, Sở sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng học sinh ở trường chính, tăng số học sinh trên 1 lớp. Cùng với đó, tổ chức biệt phái giáo viên; tăng cường giáo viên từ các trường khác đến giúp; thực hiện tốt phong trào phòng giúp phòng, trường giúp trường.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, có giải pháp đột phá hiệu quả huy động nhiều nguồn nhân lực ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục, giảm chi ngân sách nhà nước. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, rà soát, phân loại, đánh giá, sắp xếp, tập trung đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo.

Đọc thêm