Kết quả đáng ghi nhận
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2011 -2017, hàng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 – 1,6 triệu lao động, riêng năm 2017, giải quyết việc làm cho khoảng 1,633 triệu lao động. Đồng thời, với nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm (ra đời từ năm 1992), đã góp vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho NLĐ thông qua việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với NLĐ và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Năm 2017, thông qua Quỹ đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 114 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 90%), lao động nữ (chiếm 67%) và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật (2.540 người), lao động là người dân tộc thiểu số (6.112 người), lao động bị thu hồi đất,…
Song song với việc đẩy mạnh tạo việc làm trong nước, Việt Nam cũng tích cực đưa lao động và chuyên gia đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm, Việt Nam đưa được từ 100 -120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu tại các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,… trong đó, 70% là lao động trẻ trong độ tuổi từ 18 -30, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, đồng thời tạo điều kiện cho lao động, nhất là lao động trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.
Đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 25 -30 doanh nghiệp, 400 -450 lao động tham gia (80- 90% là thanh niên), trong đó có 200 -230 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn).
Bên cạnh đó, các Trung tâm đã chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng
Mặc dù đã có nhiều kết quả đáng mừng trong giải quyết việc làm cho NLĐ, tuy nhiên trong thời gian qua những chính sách đó vẫn còn bộc lộ một số điểm tồn tại cũng như sự hạn chế. Đơn cử như: hệ thống chính sách về việc làm còn chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách về việc làm còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, thiếu các chính sách về việc làm bền vững.
Mặt khác, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế: thể lực NLĐ còn yếu chưa đáp ứng được yêu cầu với cường độ công việc cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp cộng với cơ cấu đào tạo bất hợp lý, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật, đa phần NLĐ chưa có tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, năng suất lao động thấp. Đồng thời, việc làm vẫn là một vấn đề bức xúc, chất lượng việc làm chưa cao,…
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Việt Nam Toyodenso cho biết, thực tế nhu cầu tuyển dụng của Công ty xuất phát từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh, do đó cần những nguồn lao động cho những dây chuyền mới, tiếp đến là tuyển dụng để thay thế cho những nhân viên nghỉ việc.
Do thường tuyển những lực lượng lao động có tuổi từ 18 trở lên, sau một thời gian làm việc một số nhân viên đi xuất khẩu lao động nước ngoài, làn sóng đó chiếm 50% trong tỷ lệ nghỉ việc, do đó nhu cầu tuyển dụng của Công ty luôn cao.
“Quá trình tuyển dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của Công ty. Công ty cũng đã làm rất nhiều kênh để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Công ty ví dụ như tự tuyển dụng, đến các UBND các xã trong tỉnh để kết nối tuyển dụng trực tiếp với NLĐ, tổ chức xe đưa đón nhân viên, thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, thông qua các công ty giới thiệu lao động,... tuy nhiên vẫn không đáp ứng và luôn gặp khó khăn”, bà Vân nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Vân, không chỉ khó khăn trong quá trình tuyển lao động, Công ty cũng gặp khó khăn về sự dịch chuyển lao động đối với lao động phổ thông mà nguyên nhân dịch chuyển cao là đi lao động nước ngoài, khi khan hiếm lao động sẽ phải tuyển xa, do đó NLĐ gặp khó khăn trong việc đi lại mặc dù đã có xe Công ty đưa đón nhưng đôi khi đó cũng là trở ngại lớn khiến NLĐ sau một thời gian làm việc sẽ chuyển sang làm việc tại một công ty khác gần khu vực đang sinh sống hơn.