Lập “Barie” an toàn cho thị trường tài chính tiền tệ

(PLVN) - Mặc dù mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình – khá, song các chuyên gia lưu ý các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính

Tại Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 đã đang và sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế năm 2020-2021, nhiều quốc gia và khu vực đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế.

Theo dự báo tháng 10 và 12/2020 của IMF và WB, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm (-4 đến -4,4%), tuy mức giảm ít hơn dự báo tháng 6/2020 (-5,2%), song vẫn là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930. “Khủng hoảng tài chính được hiểu là “trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị các tài sản tài chính, sự mất khả năng thanh toán, luân chuyển vốn của các tổ chức tài chính và sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính”- TS Cấn Văn Lực khái quát.

Dẫn nghiên cứu 395 cuộc khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 1970-2007 của hai tác giả Laeven và Valencia (2008), chuyên gia này đã chỉ ra 7 dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính đặc trưng. Đó là: Nợ quốc gia (gồm cả nợ công và nợ tư) và thâm hụt ngân sách tăng nhanh; Nguy cơ đảo chiều hoặc giảm sút của dòng vốn bên ngoài (đặc biệt dòng vốn đầu cơ tài chính ngắn hạn); Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm mạnh; Sức ép mất giá mạnh và đột ngột của đồng nội tệ so với USD buộc một quốc gia phải phá giá đồng nội tệ (trường hợp tỷ giá cố định); Nợ xấu tăng nhanh, vốn của ngân hàng thương mại bị xói mòn, hệ thống ngân hàng yếu kém/khả năng chống đỡ yếu; Thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính và Rủi ro tội phạm tài chính - ngân hàng.

Lưu ý rủi ro luôn đan xen

Với quy mô thị trường tài chính Việt Nam, gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tương đương 366,3% GDP, theo TS Cấn Văn Lực, tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền. Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua.

Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức Ổn định (theo đánh giá của Fitch, S&P cập nhật tháng 9/2020).

Từ đó, TS Cấn Văn Lực đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình - khá. “Tuy nhiên, cần lưu ý, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả...”- Chuyên gia này cảnh báo.

Để ngăn chặn nguy cơ từ rủi ro trung bình sang rủi ro cao, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng cần chủ động lập “barie” kiểm soát. Theo TS Cấn Văn Lực, bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và khôi phục nền kinh tế, Việt Nam nâng cao sức chịu đựng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế số. 

Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược, giải pháp để hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan quản lý và các định chế tài chính (nhất là năng lực phân tích, dự báo, kiểm soát rủi ro hệ thống), phát triển đồng bộ thị trường tài chính cùng với nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, hạ tầng tài chính – ngân hàng và đa dạng hóa sản phẩm – dịch vụ, công cụ điều tiết vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo phát triển bền vững. 

Còn theo TS. Nguyễn Đại Lai, cần coi trọng mục tiêu an ninh, an toàn hơn là mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng. Chuyên gia này nhấn mạnh cần sớm lập sàn mua bán nợ thay vì “gửi” nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để sớm giải phóng các ngân hàng thương mại khỏi sự ràng buộc quá lâu vào các khoản nợ xấu khó đòi cùng những tài sản thế chấp bắt buộc phải quản lý một cách không chuyên ngành.

Ông cũng lưu ý vấn đề thiết lập hệ thống phân loại tín dụng trong quá trình hướng tới lượng hóa rủi ro tín dụng nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro tín dụng; thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo các đề án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra các ngân hàng Việt Nam có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước…

Đọc thêm