Lập đề án xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt ở Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 5 do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức mới đây, là việc xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương cạnh đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, với tổng diện tích dự kiến khoảng 5.300 ha.

Khu kinh tế chuyên biệt này của tỉnh Hải Dương nằm ở phía tây của tỉnh, phía nam đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện (tỉnh Hải Dương).

Đây sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh – quốc phòng. Khu kinh tế có trọng tâm phát triển là công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Khu kinh tế này sẽ có 7 phân khu chức năng gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp với dự kiến gồm 13 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, tổng diện tích là hơn 3.150ha.

Trong đó, khu thương mại dịch vụ, logistics có diện tích 75 ha gần đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trung tâm đổi mới sáng tạo rộng khoảng 60 ha, là hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Khu phát triển hạ tầng công cộng có diện tích 60 ha xây dựng các công trình giáo dục, y tế, công viên… Khu đô thị, dân cư có diện tích khoảng 530 ha quy hoạch gắn với các khu công nghiệp, định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh. Khu dân cư hiện trạng rộng 1.574 ha sẽ quy hoạch khớp nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khu vực. Khu phát triển nông nghiệp sẽ định hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, dự kiến Khu kinh tế thành lập vào Quý IV/2024, chia thành 2 giai đoạn: 2024 – 2025 (giai đoạn này xây dựng và khởi công xây dựng một số cơ sở hạ tầng lớn; xúc tiến thu hút đầu tư) và giai đoạn 2026 – 2030 (giai đoạn này hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích Khu kinh tế trong giai đoạn sau năm 2030).

Nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn Khu kinh tế chuyên biệt trên là khoảng 78.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2035 (trung bình khoảng 5.200 tỷ đồng/năm). Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; đồng thời, huy động từ các nguồn khác.

Đọc thêm