Cơn gió “lai” của làng nhạc Việt
Mô hình nhóm nhạc thần tượng đã mang lại thành công lớn cho ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản. Nắm bắt được sự ảnh hưởng của nhóm nhạc thần tượng với thị hiếu giới trẻ, nhiều công ty quản lý Việt Nam đã cho ra mắt những nhóm nhạc “kiểu Hàn Quốc”. Những cái tên nổi bật như: 365, Monstar, Uni5, LIME… và đằng sau họ là những công ty giải trí tên tuổi và ekip chuyên nghiệp.
Đơn cử như nhóm nhạc 365 là “đứa con tinh thần” của Ngô Thanh Vân, Monstar thuộc quản lý của St.319 Entertainment – cái tên đình đám trong giới trẻ Việt và cả nước ngoài. Trong khi đó, Uni5 là bộ đôi dưới quyền của Ông Cao Thắng – Đông Nhi. Các nhóm nhạc đều có cơ hội hợp tác với những nhạc sĩ tài năng như Khắc Hưng, Huỳnh Hiền Năng, Đỗ Hiếu- những người đứng sau thành công của Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Trung Quân Idol.
Các công ty đều thừa nhận những nhóm nhạc này được đào tạo theo phong cách Hàn Quốc. Mỗi thành viên của nhóm thường được xây dựng những hình tượng tính cách trên sân khấu. Họ cũng được quảng bá sự đa tài qua việc sáng tác, hát, nhảy, diễn xuất. Âm nhạc của họ khá đa dạng về thể loại: Pop, R&B, EDM (nhạc điện tử) và được đầu tư vào phần hình ảnh, vũ đạo.
Nhóm nhạc chỉ là bước đệm cho cá nhân?
Tuy có sự đầu tư lớn nhưng sự ra mắt của những nhóm thần tượng này vẫn tạo ra nhiều tranh luận về phong cách âm nhạc. Thực tế, sau quá trình hoạt động và tan rã của 365, mô hình nhóm nhạc ở Việt Nam cho thấy ít cơ hội lâu dài.
Trước đây, mô hình nhóm nhạc đã từng khá thành công ở Việt Nam với những cái tên như AC&M, 5 dòng kẻ, Mây Trắng, H.A.T. Vào thời điểm đó, Kpop chưa ảnh hưởng mạnh đến nhạc Việt. Các nhóm nhạc trên cũng sở hữu phong cách và dòng nhạc riêng. Tuy nhiên, theo quy luật tất yếu, các nhóm nhạc này dần bị “thay máu” hoặc tan rã.
Từ khoảng những năm 2008, Kpop bắt đầu thâm nhập vào thị trường nhạc Việt và tạo nên làn sóng mạnh mẽ. Các ca sĩ thần tượng dần phải thay đổi phong cách để thích nghi với xu hướng mới. Tuy nhiên, sự học hỏi phong cách Kpop của họ vướng phải rất nhiều chỉ trích. Cách dùng phông nền chữ, khung cảnh hộp kín hay ca từ xen lẫn tiếng Anh đều bị nhận xét bắt chước, không có phong cách riêng.
Giờ đây, các nhóm nhạc cũng không nằm ngoài dư luận. Công chúng Việt vẫn ưa chuộng những ca khúc Pop với lời nhạc uyển chuyển hơn là các ca khúc sôi động và nhiều ca từ nước ngoài. Bằng chứng là “Sau tất cả” của Erik – thành viên Monstar đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, đến khi các ca khúc của Monstar ra mắt lại ít gây chú ý hơn. Sự chênh lệch tài năng và độ nổi tiếng giữa các thành viên là vấn đề đáng quan tâm. Trước đây, nhóm nhạc 365 thường bị nhận xét là nhóm “Issac và những người bạn” vì sự ưu ái quá mức cho thành viên này. Erik cũng là thành viên nổi tiếng nhất Monstar vì đã ra mắt trước đó với “Sau tất cả”. Nhóm nhạc với nhiều thành viên chỉ là bước đệm cho sự nghiệp cá nhân.
Sự cạnh tranh từ những nghệ sĩ độc lập cũng là một thách thức. Hiện nay có rất nhiều cái tên đang nổi và thu hút đông đảo dư luận như Sơn Tùng M-TP, Khởi My, Đông Nhi, cùng với nhiều ca sĩ nổi tiếng vẫn tiếp tục hoạt động. Trong các sự kiện, nhà sản xuất cũng ưu ái lựa chọn những ca sĩ độc lập hơn vì kinh phí ít hơn so với nhóm nhạc mà hiệu quả lại cao hơn.
Một trong những nguyên nhân mô hình nhóm nhạc thành công ở Hàn Quốc nhưng thất bại ở Việt Nam vì phía Hàn Quốc biết cách tạo ra “dịch vụ cho người hâm mộ”. Họ biết cách xây dựng thần tượng thành hình mẫu lý tưởng cho người hâm mộ thông qua các chương trình thực tế, buổi gặp gỡ ký tặng. Từ đó, công chúng Hàn trung thành với nghệ sĩ chứ không như công chúng Việt đơn thuần thích âm nhạc. Mặt khác, những chương trình như vậy khó mà thực hiện được ở Việt Nam khi đã có quá nhiều chương trình giải trí, khiến người xem “bội thực”.