Lập “Quỹ bình ổn giá thịt ” (?)

 Giá thịt lợn thất thường như hiện nay, có sự chi phối của thương lái.

Giá thịt lợn thất thường như hiện nay, có sự chi phối của thương lái.

Nguồn cung dồi dào, thịt lợn rớt giá

Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2011 và giải pháp thúc đẩy chăn nuôi trong thời gian tới vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) tổ chức. Từ tháng 4 đến tháng 7/2011, giá thịt lợn có lúc tăng cao tới đỉnh điểm 70 – 80.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng đến nay đang giảm mạnh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn lên xuống thất thường, nhưng theo các chuyên gia tại hội nghị, trong đó đáng chú ý nhất là dấu hiệu bị làm giá bởi giới tư thương.

Đến thời điểm này giá xuất chuồng đã giảm từ 20-24% nhưng ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ảnh minh họa nguồn Internet
Đến thời điểm này giá xuất chuồng đã giảm từ 20-24% nhưng ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ảnh minh họa nguồn Internet

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) hiện giá thịt lợn trong nước đã giảm khoảng 11%, thậm chí là 20-24% so với thời cao điểm, dao động từ 51-53.000 đồng/kg. Cụ thể tại Hà Nội, ngày 10/10 lợn hơi siêu nạc có giá bán buôn là 53.000 đồng/kg, Đắk Lắk là 45.000 đồng/kg và TP.HCM là 50.000 đồng/kg.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Hợp tác xã chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây – Hà Nội) cho hay, tới thời điểm hiện tại giá thịt lợn hơi khi được xuất chuồng đã giảm xuống còn  52-53.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng so với trước, không ít hộ xã viên chăn nuôi đã có tâm lý chán nản. Ông Chiến cho rằng chưa năm nào chăn nuôi lợn lại khó khăn như năm nay dù có thời điểm giá thịt lợn lên tới đỉnh điểm.

Từ đầu năm đã dịch bệnh, vay vốn khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao…, đến nay trong khi khi các vấn đề kia vẫn chưa được cải thiện thì giá lại giảm. Có 4 nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn giảm - theo ông chủ nhiệm: thứ nhất, do áp lực nguồn cung trên thị trường những tháng giữa năm vừa qua nên nhiều hộ chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn, đến nay nguồn cung đã trở nên dồi dào; thứ hai, do thịt lợn nhập khẩu; thứ ba, vừa qua lũ lớn đã xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL nên bà con đã bán tháo lợn;  và thứ tư, hiện nguồn cung đàn gia cầm quá lớn, giá cạnh tranh, đẩy giá thịt lợn giảm.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: “Giá thịt lợn thất thường như hiện nay, có sự chi phối của thương lái bởi đến thời điểm này giá xuất chuồng đã giảm từ 20-24% nhưng ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ngay cả đối với thịt gà, giá gà ta bán tại chuồng ngang với gà công nghiệp nhưng khi tới tay người tiêu dùng lại cao hơn do thương lái dìm giá”.

Kiến nghị lập “Quỹ bình ổn giá thịt”?

“Việc mua bán giữa người chăn nuôi và thương lái là sự thỏa thuận. Tuy nhiên, người chăn nuôi luôn bị dìm giá, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao. Vì vậy, đề nghị Nhà nước tăng cường vai trò quản lý thị trường của mình”, ông Chiến kiến nghị.

Còn ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược PTNN&NT) cho rằng, câu chuyện của người chăn nuôi Việt Nam bấy lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn, bị tư thương “bắt chẹt”, nguyên nhân là do người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống thông tin rõ ràng về giá cả thị trường. Đề nghị Nhà nước sớm có hệ thống thông tin rõ ràng về giá cả thị trường. “Nên lập Quỹ bình ổn giá thịt” và có chính sách hợp lý về thức ăn chăn nuôi – vị này đề xuất thêm.

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, với đà tăng trưởng như hiện nay, từ nay đến cuối năm nguồn cung sản xuất trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, sản xuất thịt lợn bình quân mỗi tháng là 175.000 tấn thịt xẻ, thịt gia cầm đạt 52-55.000 tấn thịt xẻ, các loại thịt khác khoảng 13.000 tấn. Dự đoán tốc độ chăn nuôi các tháng cuối năm sẽ tăng với tỷ lệ cao hơn so với 9 tháng đầu năm. Nếu điều kiện chăn nuôi được duy trì và kiểm soát được dịch bệnh thì năm 2011, ngành chăn nuôi có thể đạt kế hoạch đã đề ra.

Theo Bộ NN & PTNN, hiện đàn lợn cả nước có 27,2 triệu con, tăng 3,3% so với hồi tháng 4 năm nay, đàn trâu bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước. Tuy số lượng đầu con giảm nhưng số lượng thịt sản xuất lại tăng, cụ thể: tổng sản lượng thịt hơi sản xuất tăng 6,67% trong đó, sản lượng thịt bò tăng 4,8%, thịt trâu tăng 9,3%, sản lượng thịt tăng 2,6%, sản lượng thịt lợn tăng 2,6%; sản lượng thịt gia cầm tăng 16,8%; sản lượng trứng tăng 18,97%, sản lượng sữa tăng 5,44%.

Mai Hoa

Đọc thêm