Động Thiên Đường được “cứu” ở phút 89.
Không phải bây giờ việc đưa vào khai thác Di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng mới tạo vết gợn, mà cách đây chưa lâu dư luận đã “nổi sóng” trước thông tin động Thiên Đường (một hang động nằm trong hệ thống hang động thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được phát hiện năm 2005 có tổng chiều dài 31,4 km với nhiều nhũ đá và măng đá tuyệt đẹp) được xem xét làm địa điểm tổ chức thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017.
Trong khi nhiều nhà khoa học cảnh báo kết cấu địa chất của động Thiên Đường sẽ bị ảnh hưởng thì lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và công ty khai thác khẳng định việc tổ chức thi không ảnh hưởng đến động này.
Cụ thể, phát biểu trên báo chí, PGS.TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam cho rằng, nếu có nhiều người cùng với trang thiết bị kỹ thuật, máy móc, âm thanh, ánh sáng dù chỉ lắp đặt tạm thời diễn tại động Thiên Đường thì dù thế nào vẫn sẽ ảnh hưởng mạnh tới kết cấu tự nhiên vốn rất nhạy cảm của hang động này.
Đồng quan điểm, TS. Đỗ Văn Trụ - Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, nếu tổ chức thi hoa hậu trong động Thiên Đường sẽ ảnh hưởng tới không khí trong hang động.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng lúc đó cho rằng, động Thiên Đường từng là địa điểm truyền hình trực tiếp chương trình lễ hội hang động. Không ảnh hưởng đến bảo tồn thiên nhiên mà cái dở nhất của địa điểm này là khán giả vào xem không được bao nhiêu vì sức chứa của động không lớn. Còn ảnh hưởng thì chỉ một số tour bị đình trệ nhằm phục vụ tổ chức cuộc thi.
Điều đáng nói là thời điểm đó, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ông Lê Thanh Tịnh đã phản đối việc tổ chức cuộc thi, bởi bất cứ hoạt động nào của con người dù ít hay nhiều đều tác động đến các giá trị, làm thay đổi môi trường trong hang động. Khi tụ tập đông người, lượng khí CO2 thải ra tăng lên sẽ làm cho màu sắc tự nhiên của khối thạch nhũ thay đổi, không còn sáng bóng, lấp lánh như bây giờ.
"Các hoạt động như ánh sáng cường độ lớn và dài cũng như hơi người làm nhiệt độ ấm lên, kích thích các loại rêu mốc, địa y, làm thành vách, khối thạch nhũ mất đi vẻ đẹp. Cả âm thanh cường độ lớn, cũng có thể tạo cộng hưởng, tác động đến khối thạch nhũ”, ông Tịnh lý giải.
Mạnh mẽ hơn, Giám đốc Tịnh còn phản bác ý kiến cho rằng trước đây từng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp tại động Thiên Đường nhưng không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. “Nói không ảnh hưởng là không đúng. Có nhiều cái mình không nhìn thấy tức thời. Có nhiều thứ ảnh hưởng về lâu dài mới phát hiện ra, còn những việc như con người bẻ thạch nhũ hay sờ mó… thì đó chỉ là ảnh hưởng phát hiện tức thời”, ông Tịnh nói.
Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, thì báo chí đưa ý kiến của Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình rằng, cho dù cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 có được cấp phép thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng không đồng ý với việc một phần cuộc thi sẽ diễn ra tại động Thiên Đường - bộ phận không thể tách rời của khu di sản thiên nhiên thế giới tại Quảng Bình đã được UNESCO vinh danh, góp phần nào “cứu” động Thiên Đường trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động của “kinh doanh”. Và mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định không tổ chức cuộc thi hoa hậu này ở động Thiên Đường.
Hang Sơn Đoòng bị ngó lơ
Từ câu chuyện động Thiên Đường được “cứu” ở phút thứ 89 liên hệ sang chuyện lắp thang inox vào khối nhũ triệu năm tuổi ở hang Sơn Đoòng, chúng tôi nhận thấy có nhiều điều vô cùng khó hiểu.
Trước hết xin được nói đến Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng Lê Thanh Tịnh, là lãnh đạo đơn vị được giao quản lý, bảo vệ di sản thế giới trong đó có động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng, nhưng tại sao ông Tịnh lại bảo vệ Thiên Đường khi kịch liệt phản đối ý tưởng tổ chức thi Hoa hậu Hòa Bình quốc tế tại hang động này, trong khi đó với Sơn Đoòng thì ông Tịnh lại “mần thinh”.
Tiếp đó, những nội dung của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng khi trả lời chúng tôi về việc bắt vít, lắp thang inox vượt Bức tường Việt Nam có nhiều điểm bất hợp lý. Thứ nhất, ông Dũng cho rằng việc tổ chức khám phá xuyên hang Sơn Đoòng (trong đó có việc bắt vít, lắp thang inox và đi lên khối thạch nhũ triệu năm tuổi) thì lượng khách không tăng so với cách thức tổ chức trước (đi vào từ cửa động, gặp Bức tường Việt Nam thì quay ra).
Điều này là không đúng, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, một tài liệu của UBND tỉnh Quảng Bình đã thể hiện rõ lãnh đạo tỉnh này “Đồng ý chủ trương cho phép Cty Oxlis xây dựng tour khai thác từ cửa sau ra cửa trước động Sơn Đoòng để tăng thêm lượng khách thám hiểm hang động trong năm 2017”.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng việc bắt vít, dựng thang kim loại vào khối thạch nhũ có triệu năm tuổi không “nhất thiết” phải làm đánh giá tác động môi trường vì không sử dụng đất, chỉ theo dõi môi trường bên trong hang động. Điều này có vẻ không hợp lý bởi hang Sơn Đòong nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, chẳng lẽ khối thạch nhũ triệu năm tuổi lại không thuộc đất của Vườn Quốc gia này?
Bên cạnh đó, mặc dù thừa nhận việc dựng thang, dùng vít cố định thang sẽ tác động đến hang động, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà ông Dũng cho rằng những tác động này “không ảnh hưởng nhiều” khi việc đánh giá tác động môi trường không được thực hiện?
Hơn nữa, giữa sự “nhất thiết” và “không nhất thiết” như ông Dũng nói thì tại sao UBND tỉnh Quảng Bình lại không yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật để có cơ sở liệu việc bắt vít, dựng thang inox và thường xuyên đi lại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất của trên khối thạch nhũ triệu năm tuổi hay không?
Đâu là nguyên nhân của sự gấp gáp trong việc cho phép Cty Oxlis bắt vít, dựng thang và đi trên khối thạch nhũ triệu năm tuổi mà không có sự đánh giá tác tác động môi trường?, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến độc giả.