Lê Uyên Phương là một nữ ca sĩ người Việt nổi tiếng. Ca sĩ sinh năm 1952 thành danh ở Sài Gòn vào thập niên 1970. Tiếng hát Lê Uyên luôn gắn liền với âm nhạc của chồng cô, nhạc sĩ Lê Uyên Phương.Đây cũng là lần đầu tiên, ca sĩ Lê Uyên trình diễn tại thủ đô Hà Nội, giới thiệu tới khán giả của miền Bắc những tuyệt phẩm của người chồng quá cố. Cặp đôi Lê Uyên và Phương từng là hiện tượng, là một trào lưu âm nhạc có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp tri thức của Sài Gòn trong thập niên 1970.
Ca sĩ Lê Uyên Phương
Những sáng tác của Lê Uyên Phương có ca từ rất mới, cấu trúc, khúc thức âm nhạc rất Tây nên có chất phiêu diêu, nồng nàn, thiết tha nhưng cũng đầy nức nở, đớn đau và tất cả là nỗi buồn dai dẳng đầy sự ám ảnh làm rung động hằng triệu con tim của giới trẻ vào thập niên 1970 trên các giảng đường đại học.
Dòng nhạc của Lê Uyên Phương được thể hiện qua hình thức du ca, đậm chất lãng tử, một tình yêu đầy khắc khoải, rã rời của tuổi trẻ trước diễn biến của đất nước trong thời chiến tranh tao loạn. Những bài hát dù buồn thương, đớn đau luôn đầy tính triết lý về cuộc đời, tình đời của nhân thế.
Tiếng hát và câu chuyện tình của chị với người chồng là nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã trở thành vĩnh viễn, đã đi vào cõi nhạc đầy thủy chung và trở nên vĩnh cửu, lãng mạn nhất trong đời sống của làng văn nghệ Việt vốn đầy sắc màu, âm điệu.
Cuộc đời của Lê Uyên- Phương là âm nhạc, là tình yêu, tuy hai mà một. Những bản tình ca đầy tính hiện sinh như “Dạ khúc cho tình nhân”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Lời gọi chân mây”, “Tình khúc cho em…” là minh chứng sống cho cuộc tình vĩ đại, vượt qua mọi lằn ranh của sự sống, cái chết, vượt qua những bệnh tật, khổ đau nghiệt ngã trong cõi đời để trở thành bất tử.
Cặp đôi Lê Uyên Phương nổi tiếng thập kỷ 70- 90
Tình yêu của Lê Uyên Phương là định mệnh, là vĩnh viễn. Họ đã yêu nhau hồn nhiên, không toan tính, tất cả là sự say mê đến độ "chết bên nhau thật là hồn nhiên".
Triết lý của sự hiện sinh lãng mạn được thể hiện rất rõ trong âm nhạc của Lê Uyên Phương và không có điều gì khó hiểu khi dòng nhạc này có những thời điểm cực thịnh và từng chi phối cả thế hệ thanh niên tri thức trong một giai đoạn có nhiều biến động của đất nước, tất cả khát khao niềm yêu đời và yêu người tha thiết.
Chị đã nghẹn ngào khóc và chia sẻ với khán giả khi nhắc tới chồng và những sáng tác của anh : “Dù là những bài hát viết về sự chia phôi chia lìa nhưng trong đó có rất nhiều âm hưởng của sự chấp nhận. Chính vì sự chấp nhận những chuyện trắc trở đó mà trong nhạc cũng như trong đời sống chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau từng giây phút một. Chúng tôi yêu, viết và hát hồn nhiên, để phục vụ cho tình yêu, cho đời sống thường nhật mà không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi thành Lê Uyên & Phương sau này”. Trước khi ra đi, tác giả của "Dạ khúc cho tình nhân có dặn vợ: “nếu anh có mệnh hệ nào thì em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn”.
Lê Uyên sẽ làm sống dậy những hoài niệm cũ, sẽ nhen nhóm ngọn lửa ấm áp tình nồng cho bao trái tim yêu tại không gian đầy lãng mạn của Nhà hát Lớn Hà Nội, tất cả dành cho tình yêu mãi mãi nhiệm màu, mãi mãi thăng hoa, ngay cả khi "chết bên nhau thật là hồn nhiên".
Ngoài Lê Uyên, Lệ Thu, với khán giả thủ đô, tiếng hát ấm nồng của Lệ Thu và thánh thót của Ánh Tuyết thực sự đã trở nên thân thuộc. Với tình khúc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn thì hai giọng ca này là bảo chứng cho sự kết duyên tuyệt vời. Họ sẽ làm rung động những trái tim người yêu nhạc qua hàng loạt các ca khúc "đóng đinh" với giọng hát của hai người đàn bà hát. Ca sĩ hải ngoại Quang Thành cũng là một điểm nhấn để “Dạ khúc cho tình nhân” thêm thăng hoa.